Không phải ngẫu nhiên mà tại châu Âu, trong giai đoạn 2007 - 2013, sản xuất heo hữu cơ tăng trưởng 32% và hầu hết các tổ chức nông nghiệp quan trọng nhất đều công nhận loại sản phẩm này và cấp giấy chứng nhận như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ECOCERT (châu Âu), Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các Phong trào canh tác hữu cơ)…
Chăn nuôi hữu cơ ở Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn và được quan tâm đặc biệt MH: N.Hùng
Nếu như trước đây, việc chăn nuôi công nghiệp, nuôi nhốt hàng loạt, sử dụng thức ăn công nghiệp, cung cấp một sản phẩm đồng đều về chất lượng và số lượng lớn với năng suất cao… được xem như chuẩn mực của ngành chăn nuôi thế giới. Hình ảnh những trang trại khổng lồ, thậm chí có cả máy sưởi ấm, máy điều hòa, thức ăn và tắm rửa đều được tự động hóa… với những đàn gia súc, gia cầm ngăn cách với thế giới bên ngoài từ lúc con vật sinh ra đến lúc chết đi… đã trở thành kinh điển của ngành chăn nuôi.
Song, với chăn nuôi hữu cơ, mọi thứ đã đảo ngược và hình ảnh khách hàng có thể nhìn thấy là con vật không bị nuôi nhốt mà phần lớn thời gian chúng được sống ở ngoài trời, ăn thức ăn nguồn gốc hữu cơ, cuối cùng, chúng được giết mổ bằng phương thức hữu cơ. Sự khác biệt của chăn nuôi hữu cơ, đó là phương pháp chăn nuôi này không chỉ quan tâm đến quyền lợi của khách hàng mà còn quan tâm đến quyền lợi của vật nuôi, cách mà chúng được hưởng trong trong quá trình nuôi.
Phương pháp chăn nuôi hữu cơ cũng quan tâm đến sự phát triển của loài, sự tồn vong của các loài vật, do đó cấm sử dụng các chất hỗ trợ sức khỏe cho heo (như kháng sinh, axit hữu cơ, probiotic…). Vì thế các nhà chăn nuôi phải tập trung tăng cường sức khỏe của heo một cách tự nhiên bằng công tác giống, duy trì nguồn giống tốt.
Do phương thức chăn thả tự nhiên, dùng ánh sáng và khí trời, bởi vậy các giống loài ở địa phương, phù hợp với khí hậu thời tiết bản địa chắc chắn sẽ chiếm ưu thế. Ngược loại, các giống ngoại lai, nhập ngoại vốn chỉ phù hợp nuôi nhốt sẽ khó giữ được vị trí thống trị trong chăn nuôi tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu đã và đang hy vọng những giống heo bản địa Việt Nam như: heo Móng Cái, heo Mường Khương, heo Ỉ, heo cỏ, heo sóc, heo kiềng sắt… các giống gà đồi, gà thả vườn, các loại vịt chạy đồng, những giống ngan địa phương… vốn rất đa dạng ở Việt Nam, có thể sẽ trở thành sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi hữu cơ.
Nhiều quan điểm cho rằng bệnh bò điên và một số dịch bệnh khác làm điêu đứng ngành chăn nuôi có thể xuất phát từ quá trình nuôi nhốt công nghiệp theo kiểu cũ. Ngoài ra, do hiệu hứng tiêu cực từ bệnh bò điên, người tiêu dùng thế giới đang bắt đầu quay lưng lại với các sản phẩm chăn nuôi kiểu công nghiệp, sử dụng thức ăn công nghiệp và ứng dụng quá nhiều sản phẩm có tác động biến đổi gen.
Chăn nuôi hữu cơ, theo đánh giá của các nhà khoa học Mỹ, đang kéo ngành chăn nuôi lại gần hơn với ngành trồng trọt. Sau một thời gian dài, ngành chăn nuôi phát triển biệt lập với ngành trồng trọt (các nước trồng trọt không phát triển chăn nuôi mà chỉ xuất khẩu nguyên liệu thức ăn còn các nước chăn nuôi lại không phát triển trồng trọt nhà chỉ nhập khẩu TĂCN). Xuất phát từ việc sử dụng các giống loại bản địa và chăn thả trong môi trường tự nhiên, gia súc gia cầm sẽ được nuôi bằng thức ăn có sẵn tại các địa phương, từ đó sẽ kích thích ngành trồng trọt.
Nếu như chăn nuôi công nghiệp có đặc trưng là tự động hóa, giảm thiểu lao động thì chăn nuôi hữu cơ lại sử dụng nhiều lao động, từ đó sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, khiến các vùng nông thôn sẽ trở nên đông đúc, sinh động và ngành nông nghiệp sẽ dần được trả về cho người nông dân chứ không phải là các ông chủ và các nhà máy.
Các chuyên gia về chăn nuôi hữu cơ cho rằng việc nhập khẩu chỉ nên diễn ra với những mặt hàng mà địa phương không thể sản xuất, nuôi trồng được. Các nhà máy, các ông chủ siêu quốc gia chỉ tham gia ở những khâu mà người nông dân không thể làm được.
Chẳng hạn câu hỏi đặt ra là: liệu các nhà máy có cần thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình trong khi người nông dân có thể làm việc đó mà họ lại đang thất nghiệp hoặc sản phẩm không có nơi tiêu thụ? Thay vì xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình, chăn nuôi hữu cơ khuyến khích các ông chủ và các nhà máy liên kết với người nông dân để tạo ra các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ.
Tháng 9/2017, sữa tươi hữu cơ TH true Milk Organic đã được bình chọn là “Sản phẩm mới xuất sắc nhất 2017” tại Triển lãm Thực phẩm Quốc tế tổ chức ở Nga. “Giải vàng sản phẩm tiêu biểu của năm” được trao cho sản phẩm TH True Herbal bởi nguyên liệu thảo dược thiên nhiên, tốt cho sức khỏe. Đây là một trong số các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam rất quan tâm đến chăn nuôi hữu cơ.
Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT thôn sớm hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 - 2025. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định “Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó”.
Khó khăn của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay vẫn là đầu ra khi tiêu thụ trong nước cung đã vượt cầu. Cơ bản, việc phát triển chăn nuôi hữu cơ không chỉ là một phong trào mà phải dựa trên quan hệ cung - cầu và do đó phải hướng đến việc tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Bởi vậy các doanh nghiệp và người nuôi cho rằng các bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi hữu cơ của Việt Nam cần phải tiệm cận với các tiêu chuẩn thế giới và hướng đến xuất khẩu.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn