Tháng 5/2018, Chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) đã được Chính phủ phê duyệt triển khai rộng khắp cả nước. Là tỉnh đầu tiên tiến hành thí điểm từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế, kinh nghiệm nhưng cũng đứng trước sự cạnh tranh lớn.
Tại Quảng Ninh, vùng núi Ba Chẽ có lợi thế rất lớn để phát triển cây dược liệu. Vài năm gần đây, sản phẩm trà hoa vàng đặc sản Ba Chẽ được biết đến trên thị trường là loại dược liệu quý, giá trị cao, mỗi kg hoa khô có giá bán lên tới 15 triệu đồng, hoa tươi 1,5 triệu đồng.
Mặc dù là sản phẩm trong chương trình OCOP Quảng Ninh, bước đầu xây dựng được thương hiệu nhưng trên thực tế, sản lượng trà hoa vàng của Ba Chẽ chưa đủ đáp ứng cho các cơ sở chế biến, cung cấp ra thị trường.
“Trong năm 2017, sản lượng hoa tươi trên 1 tấn nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng tăng cao. Trong những năm tiếp theo, huyện sẽ có giải pháp bền vững hơn, đảm bảo khẳng định giá trị của cây trà hoa vàng trong vòng 2 năm tới cũng như tăng số lượng đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường”, ông Quyền cho hay.
Vùng nguyên liệu thiếu ổn định không phải là câu chuyện của riêng trà hoa vàng. Quảng Ninh có địa hình đồi núi đan xen chia cắt, các vùng sản xuất nông nghiệp không trải rộng trên quy mô lớn. Nhiều sản phẩm có lợi thế, được ưa chuộng như ba kích, miến dong hay lợn Móng Cái, gà Tiên Yên đều từng gặp tình trạng “cung không đủ cầu”, quy mô sản xuất của các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, manh mún.
Thêm vào đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến cũng chưa đồng đều, sản phẩm ra thị trường chưa đạt chất lượng tốt nhất như kỳ vọng, hạn chế về mẫu mã, chủng loại, chưa kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng, lựa chọn sản phẩm đầu vào là vấn đề, nhưng ở đầu ra nếu nguồn tiêu thụ chưa ổn định, rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tư có mối quan hệ với nơi tiêu thụ từ trước. Hiện vẫn có những hộ nông dân tiêu thụ được, có hộ cũng gặp khó khăn về giá cả và lượng tiêu thụ.
Ông Ninh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) cũng thừa nhận, việc đánh giá thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá, bảo hộ thương hiệu của các doanh nghiệp, HTX còn gặp nhiều khó khăn.
“Doanh nghiệp cần nhất hiện nay là marketing vì đội ngũ truyền thông của doanh nghiệp còn yếu. Hiện doanh nghiệp vẫn đang phải nhờ truyền thông và ban OCOP từ xã tới huyện có nhà trưng bày để giới thiệu sản phẩm”, ông Trắng cho biết.
Hiện Chương trình OCOP của Quảng Ninh thu hút 362 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ của hơn 145 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó 131 sản phẩm đã được gắn sao. Doanh thu từ sản phẩm OCOP cũng liên tục tăng, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động với mức thu nhập khá.
Từ bước khởi đầu của Quảng Ninh, Đề án Chương trình OCOP đã được Chính phủ phê duyệt triển khai trên cả nước với nhiều Bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn cùng tham gia. Để đạt mục tiêu năm 2020 sẽ có khoảng 2.400 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa trên toàn quốc, hiện nhiều địa phương đã và đang triển khai rất đồng bộ, quyết liệt.
Chả mực, hàu, ba kích, thịt lợn Móng Cái,... sẽ là những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của Quảng Ninh. |
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới, Phó Ban chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh cho biết, để tạo bước đột phá cho Quảng Ninh trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình mỗi xã một sản phẩm, việc nâng cao mức sống cho nông dân, nông thôn vẫn là mục tiêu trọng tâm.
“Để chương trình nổi bật, tỉnh xác định cần tiếp tục khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh địa phương tham gia OCOP, từ đó người dân được hưởng lợi. Tỉnh cũng lựa chọn những sản phẩm chủ lực để dồn lực tập trung, vươn ra thị trường lớn hơn, hoàn thiện dần quy trình sản xuất, giúp cho bà con liên kết lại với nhau, nâng cao chất lượng để từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn”, ông Long cho biết.
Chiến lược của Quảng Ninh là tập trung vào các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và cấp quốc gia với những hỗ trợ, đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó là chủ động xúc tiến thương mại rộng rãi, có chế tài mạnh để siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm.
Theo đó, đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ hình thành 12 chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và 6 chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp quốc gia, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương, nâng cao nguồn lực kinh tế cho khu vực nông thôn./.
Tác giả bài viết: Trường Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn