Theo mục tiêu đến năm 2020, Đồng Nai sẽ xây dựng 12 sản phẩm theo chương trình OCOP.
Phát triển sản phẩm lợi thế
Từ hàng chục năm nay, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đã đều đặn xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan…
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân, hiện thương hiệu của cơ sở đã được xây dựng vững chắc, do đó cơ sở luôn ở trong tình trạng “làm không đủ bán”. “Chỉ tính riêng thị trường Mỹ là tôi đã không dám nhận đơn hàng lớn do khả năng của mình không đủ để cung cấp theo hợp đồng”, ông Nhân cho biết.
Dôi dư về đơn hàng nên mong muốn của ông Nhân hiện nay là làm sao có thể mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng sản lượng sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Theo ông Nhân, cơ sở của ông hiện có quy mô nhà xưởng chỉ khoảng 1.000m2, do đó, mục tiêu của cơ sở Thành Nhân là làm sao có thể mở rộng quy mô nhà xưởng lên gấp đôi, gấp ba hiện tại để có thể làm ra được nhiều sản phẩm hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với ông Nhân là do thiếu vốn nên việc mở rộng quy mô sản xuất là rất khó khăn.
Sản phẩm hồ tiêu của HTX Lâm San được giới thiệu ở “Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ (PMAX 2018)” tổ chức tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.
Nắm bắt được thông tin về việc Đồng Nai triển khai chương trình OCOP, ông Nhân đã đăng ký tham gia. Sau khi xét chọn, cơ sở của ông Nhân đã được Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) lựa chọn là đơn vị sẽ xây dựng 1 trong 12 sản phẩm thuộc chương trình OCOP mà tỉnh sẽ xây dựng đến năm 2020.
Theo ông Nhân, mong muốn lớn nhất của ông khi tham gia OCOP là sẽ được Nhà nước hỗ trợ về vốn và các chính sách phát triển nhân lực, nhất là đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ để có thể mở rộng quy mô sản xuất. “Vốn và nhân công hiện là những cái tôi cần nhất. Do đó, tôi tham gia để mong có được sự hỗ trợ giải quyết những vấn đề này”, ông Nhân cho hay.
Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sản phẩm của các cơ sở, hợp tác xã (HTX) mang tính đặc trưng địa phương, có tiềm năng phát triển và có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện phần lớn các sản phẩm này lại chưa mang lại giá trị kinh tế cao do chưa có thương hiệu mạnh, quy trình sản xuất chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Đặc biệt, việc quảng bá, tiếp cận, tìm kiếm và mở rộng thị trường còn hạn chế nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao như tiềm năng vốn có của các sản phẩm này.
Từ thực tế trên, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, việc Đồng Nai triển khai thực hiện chương trình OCOP là cơ hội cho các sản phẩm đặc sản vùng miền của tỉnh phát triển những lợi thế sẵn có.
OCOP không phải là phong trào hay cuộc vận động
PGS.TS. Trần Văn Ơn (Trưởng bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội), tư vấn quốc gia chương trình OCOP cho rằng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Do đó, OCOP yêu cầu triển khai một cách có hệ thống với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà không phải là một phong trào hay cuộc vận động, lại càng không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp. “OCOP tham gia giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn như: hình thành và tái cấu trúc các HTX, doanh nghiệp ở vùng nông thôn, từ đó người dân thông qua góp vốn vào các HTX, doanh nghiệp trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế hợp tác; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho biết.
Phát huy nội lực nông thôn
Cũng theo ông Gọi, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh và hiện đang xây dựng, hoàn thiện đề án “Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035”. Đặc biệt, Đồng Nai cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12 sản phẩm thuộc chương trình OCOP. “Đối với các sản phẩm đã được lựa chọn, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các đơn vị chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và xúc tiến thương mại. Mục tiêu là biến các tiềm năng vốn có trở thành lợi thế cạnh tranh của sản phẩm”, ông Gọi cho hay.
Sơ chế ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, xã Phú Hòa, huyện Định Quán.
Tại hội nghị quán triệt sâu chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh, phải xem OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, tăng giá trị. Do đó, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tập trung triển khai nhanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, chương trình OCOP có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới. Do đó, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể và các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, các HTX nắm bắt và tham gia. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng dự thảo chỉ thị về chương trình hành động trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành để triển khai chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP. “Trước mắt phải thực hiện thành công 12 sản phẩm đã xác định đến năm 2020, từ đó để dẫn dắt chương trình trong giai đoạn tiếp theo”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
12 sản phẩm được chọn phát triển theo chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020
Rượu chuối hột của HTX rượu Bến Gỗ (xã An Hòa, TP. Biên Hòa); bột sen dinh dưỡng của Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch); nấm rơm của HTX Nguyễn Thị Liên (xã Suối Trầu, huyện Long Thành); bưởi da xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu); tàu lửa gỗ của cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Thành Nhân (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom); nấm mèo khô của Công ty TNHH thế giới dinh dưỡng (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất); trà khổ qua rừng của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (xã Xuân Tân, TX. Long Khánh); tiêu của HTX Lâm San (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ); muối ớt trứng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc); bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán); rau củ quả sấy của Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, huyện Định Quán); bưởi da xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú).
Theo Phạm Tùng/dongnai.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn