Bà May bắt đầu trồng rau xanh từ năm 2009. Khi đó, gia đình bà chỉ trồng có 600m2 nhưng việc tiêu thụ rau xanh gặp không ít trở ngại. Mỗi lần thu hoạch, bà phải mang rau ra chợ bán từ sáng sớm đến trưa trầy, trưa trật mà vẫn không hết.
Bà May thường trồng bắp cải trái vụ nên bán được giá cao hơn trồng chính vụ
Thu nhập chính của gia đình bà lúc bấy giờ vẫn chỉ dựa vào trồng ngô, lúa, chè. Năm 2011, tổ hợp tác trồng rau xanh ở bản Tự Nhiên được thành lập, sẵn có niềm đam mê trồng rau, bà May tình nguyện xin tham gia. Vào tổ hợp tác, bà May học hỏi được nhiều điều bổ ích, từ kĩ thuật đến kinh nghiệm trồng, chăm sóc rau xanh. Ngay từ vụ đầu tiên, bà May đã mạnh dạn nâng diện tích trồng rau lên 2.000m2. Áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào làm đất, trồng chăm sóc, bón phân cho rau, ruộng rau nhà bà phát triển xanh tốt, năng suất, sản lượng cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Sau khi hoạch bắp cải, bà May đưa cây khoai tây vào trồng
Vấn đề tiêu thụ rau của tổ hợp tác dần dần đi vào quy củ bởi người tổ trưởng năng động, nhạy bén trong việc tìm kiếm đối tác. Bà Nguyễn Thị Luyến, bản Tự Nhiên chính là người đứng ra vận động các hộ trồng rau trong bản liên kết thành tổ hợp tác. Bà cũng chính là người mang rau xanh của tổ hợp tác đi chào hàng khắp nơi. Sản phẩm rau, quả các loại của tổ hợp tác đáp ứng các tiêu chí chí ngon, sạch vì sản xuất theo quy trình VietGAP, nên được nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội tin tưởng, lựa chọn kí kết hợp đồng bao tiêu.
Bà may đầu tư 1.000m2 nhà lưới để trồng cà chua
Năm 2013, tổ hợp tác phát triển lên thành Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên VietGAP với số thành viên đông hơn, quy mô sản xuất cũng lớn hơn. Không phải lo lắng khâu tiêu thụ, bà May tiếp tục nâng diện tích trồng rau của gia đình lên 5.000m2.
“Từ ngày tham gia hợp tác xã, thu nhập, đời sống của gia đình tôi được cải thiện đáng kể. Tôi nhất nhất tuân thủ các khâu, từ trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc theo đúng quy trình VietGAP nên ruộng rau của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt” – bà May vui vẻ nói.
Theo bà May, nếu chăm sóc tốt, cà chua có thể cho thu hoạch kéo dài tới 2 tháng
Trên diện tích 5.000m2 đất ruộng, mỗi năm, bà May trồng 3 vụ rau, quả các loại như: cà chua, bắp cải, xu hào, khoai tây. Lứa chính vụ, bà trồng xu hào, khoai tây, còn 2 lứa trái vụ thì bà đưa bắp cải, cà chua vào trồng.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cà chua với Dân Việt, bà May cho biết: Cây cà chua rất khó tính. Trước khi trồng cần phải làm đất tơi xốp, đánh luống cẩn thận, sau đó bỏ phân chuồng đã ủ hoai mục rồi mới cấy cây cà chua giống xuống. Người trồng cà chua cần phải thường xuyên thăm nom, khi phát hiện sâu bệnh là phải phun thuốc diệt trừ ngay, tránh để lây lan ra diện rộng.
“Ngoài thường xuyên tưới nước, trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cà chua, tùy từng thời kì mà tôi cho chúng “ăn” lượng phân NPK hợp lý. Tôi không phun thuốc diệt cỏ mà làm thu công, tức là nhổ bằng tay. Cây cà chua phát triển tới đâu tôi dùng dây níu tới đó, giúp cho thân cây cà chua luôn thẳng, khi ra quả không bị gãy đổ” – bà May cho hay.
Cây cà chua phát triển tới đâu, bà May dùng dây cuốn tới đấy, giúp thân cây luôn thẳng
Cũng theo bà May, trồng bắp cải, xu hào không cầu kì như cà chua. Đối với cải bắp thì chỉ cần làm cỏ một lần là xong, lượng phân bón cũng ít hơn so với cà chua. Trồng xu hào là đơn giản nhất và cũng nhanh được thu nhất. Sau khi trồng khoảng 1,5 tháng là có thể thu hoạch xu hào.
Bà May trồng rau, củ, quả quanh năm. Bà không trồng một loại rau, quả thường xuyên trên một mảnh đất mà cứ sau mỗi vụ thu hoạch lại đưa giống rau, quả khác vào trồng. Chẳng hạn sau khi thu hoạch cà chua, bà trồng đỗ, hoặc xu hào. Trồng loại rau, củ, quả gì bà đều đăng kí trước với Hợp tác xã.
“Trồng rau xanh lãi cao gấp 10 lần so với trồng ngô, lúa. Chỉ trồng có 5.000m2 rau, của, quả các loại mà mỗi năm tôi lãi khoảng 250 triệu đồng. Tổng sản lượng rau, củ, quả của gia đình tôi mỗi năm lên đến vài chục tấn. Đa phần được chuyển xuống các siêu thị lớn ở Hà Nội để tiêu thụ” – bà May thông tin. |
Tác giả bài viết: Theo Văn Chiến (Báo Dân Việt)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn