Lựa chọn các sản phẩm phù hợp với thị hiếu du khách ở các sự kiện xúc tiến quảng bá giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng (Ảnh: Du khách mua sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP Xuân tại Hạ Long 2019) Hiện thực hóa sáng kiến Xúc tiến thương mại, Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh - Sun World Hạ Long (tháng 7/2019), lần đầu tiên được tổ chức tại Bãi Cháy phục vụ du khách. Điều đáng ghi nhận là quy mô sự kiện chỉ gồm 35 gian hàng nhưng có tới gần 200 sản phẩm cho thấy sự chủ động trong khâu chuẩn bị từ mặt hàng, mẫu mã bao bì, tới cách thức tổ chức điểm giới thiệu, thử sản phẩm... để "hút" khách. Đặc biệt, các đơn vị cũng lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm phù hợp là nông sản, hình thức đẹp, gọn gàng... thuận tiện cho du khách.
Theo nhận định của đơn vị tổ chức sự kiện, kết quả đạt được khá khả quan khi thu hút trên 5 vạn du khách, doanh thu đạt gần 1,2 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày. Qua những kết quả đạt được đã khẳng định sự đổi mới, chất lượng và cách tiếp cận của sản phẩm OCOP. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Bá Trinh, Trưởng Phòng nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Đây chỉ là một trong những cách hiệu quả trong các giải pháp đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng, thúc đẩy chương trình OCOP. Thời gian qua, chương trình OCOP đã được quan tâm, triển khai nhiều các giải pháp hiệu quả nhằm đổi mới triển khai, nâng cao hơn nữa chất lượng.
Theo đó, ngoài việc hoàn thiện bộ máy điều hành chuyên môn hóa từ tỉnh tới cơ sở, nhiều chính sách khuyến khích, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP với nhiều nội dung thiết thực sát thực tế. Các nguồn lực cho chương trình OCOP cũng được chú trọng. Năm 2019, tỉnh cân đối ngân sách, dành khoảng 300 tỉ đồng, bố trí trực tiếp Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó dành 10% chi cho Chương trình OCOP. Vốn xây dựng Nông thôn mới cấp huyện cũng dành khoảng 30 - 40% kinh phí chi thực hiện các dự án phát triển sản xuất trong đó khoảng 10% hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Một trong những nội dung được chú trọng đó là tập trung phát triển sản phẩm OCOP. Ban chỉ đạo OCOP tỉnh và địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phát triển sản phẩm mới theo chu trình OCOP; tổ chức lớp tập huấn cho các đơn vị có sản phẩm đăng ký mới, nâng cao kiến thức quản trị kinh doanh, hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất, quy chuẩn tem nhãn bao bì, bảo hộ nhãn hiệu... Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP - QN cho 100% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên nhằm tăng cường quản lý đối với sản phẩm OCOP; thúc đẩy việc tổ chức thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp huyện.
Bên cạnh đó, việc củng cố, phát triển tổ chức kinh tế tham gia OCOP cũng được đặc biệt quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban chỉ đạo phối hợp với Công ty DK Pharma tư vấn, hỗ trợ cho 10 hộ sản xuất nâng cấp thành HTX hoặc doanh nghiệp. Các đơn vị đã được trang bị kiến thức về kinh doanh, công tác quản lý về sản xuất, nâng cấp sản phẩm... Đồng thời các đơn vị cũng nhận được tư vấn, hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng, nhất là việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, nâng cấp bao bì tem nhãn, xây dựng thương hiệu, bảo hộ về nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc...
Xác định nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự thành bại của Chương trình là hoạt động xúc tiến thương mại, Ban chỉ đạo đã xây dựng thành nhiệm vụ tập trung của năm 2019. Theo đó, ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo đã có nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả nhằm quảng bá xúc tiến, tiêu thụ, kết nối. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã tổ chức được 3 Hội chợ xúc tiến thương mại có quy mô lớn là: Hội chợ OCOP Xuân tại Hạ Long (từ 25-30/1); Hội chợ OCOP tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long - Hà Nội (từ 11-15/1); Hội chợ OCOP Hè 2019 (từ 26/4-1/5)... Các địa phương trong toàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động phong phú. Cách làm mới ở các sự kiện không chỉ giúp quảng bá mà còn tạo được kết nối sản xuất - tiêu dùng, đưa sản phẩm vào các Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng... trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã kết nối thêm 3 sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC, Vinmart+..., nâng tổng số sản phẩm kết nối vào các siêu thị của toàn tỉnh là 13 sản phẩm với 17 mã hàng, như: Nước mắm Cái Rồng, rượu mơ và rượu Ba kích Yên Tử, miến dong Bình Liêu, trứng gà Tân An...
Đổi mới xúc tiến, quảng bá kết nối sản phẩm OCOP với du khách và các kênh tiêu thụ lớn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo thông tin từ Ban Nông thôn mới, 6 tháng đầu năm 2019 cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định và ra quyết định chấp thuận cho 78 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, tăng 250% so với chỉ tiêu đề ra của năm 2019, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 402 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đáng chú ý, trong đó có 138 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với khả năng cạnh tranh cao, hướng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên bên những kết quả đạt được, việc phát triển Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn một số hạn chế về bao bì sản phẩm còn đơn giản, thiết kế chưa chuyên nghiệp, chất liệu kém. Nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt sử dụng mã số, mã vạch; việc quy hoạch các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở cấp tỉnh và các địa phương triển khai chậm hoặc chưa hiệu quả... phần nào tác động tới việc đổi mới, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn.