Triển khai chương trình OCOP, Đầm Hà xác định giải pháp quan trọng, hàng đầu là tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu rõ vai trò, vị trí chủ thể của mình khi tham gia thực hiện chương trình. Để tạo được sự lan toả rộng rãi, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau (hội nghị, họp dân, pano, áp phích, khẩu hiệu, hệ thống truyền thanh...) về nội dung, chu trình, các sản phẩm, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện lập, triển khai quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung; lựa chọn các sản phẩm, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất. Huyện có cơ chế hỗ trợ để các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm, như hỗ trợ máy sấy cho HTX sản xuất củ cải, máy hấp thanh trùng cho HTX sản xuất nấm linh chi; xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được huyện chú trọng. Huyện đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các sản phẩm được tham gia trưng bày, quảng bá và giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ, như: Lễ hội hoa anh đào, Hội chợ thương mại - du lịch Hạ Long, Hội chợ OCOP Quảng Ninh...
Các sản phẩm OCOP được bày bán tại Trung tâm OCOP huyện Đầm Hà (Nhà hàng Ba Miền). |
Với sự hỗ trợ, đồng hành của huyện, sau 3 năm triển khai chương trình, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không ngừng tăng về quy mô, diện tích từng năm. Từ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đến nay đa số các HTX có quy mô sản xuất lớn hơn, sự liên kết trong sản xuất giữa các HTX và nông dân nhịp nhàng, hiệu quả hơn; như diện tích củ cải tại các xã Đầm Hà, Quảng Lợi tăng từ 24 lên 43ha, chủ yếu từ sự vận động, cam kết thu mua của các HTX đối với người dân. Một số HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, như HTX sản xuất nấm linh chi từ sản xuất 30.000 bịch nấm lên trên 42.000 bịch nấm/năm. Người dân đã tin tưởng, mạnh dạn đầu tư trồng các giống tuy năng suất thấp nhưng có chất lượng ngon, như tương, lạc địa phương (diện tích trồng lạc của huyện hiện tăng thêm 100ha, đỗ tương tăng thêm 50ha)...
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại từ chương trình OCOP, hiện các xã đã đăng ký, thực hiện phát triển 16 sản phẩm: Trứng vịt biển Tân Bình, củ cải khô Đầm Hà, củ cải phên Đầm Hà, ngan sao Đại Bình, cá song Đầm Hà, gạo bao thai Dực Yên, nấm linh chi Đầm Hà, rượu khoai Quảng Lâm, rượu sim Quý Chuẩn, dưa cải nén Đầm Hà, cà sáy Đầm Hà... Cùng với đó, huyện hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay 10 sản phẩm đã có logo, nhãn mác bao bì, như: Củ cải Đầm Hà, nấm linh chi Đầm Hà, gạo bao thai Dực Yên, trứng vịt biển Tân Bình... Hiện nhãn hiệu củ cải Đầm Hà, cá song đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận; các sản phẩm còn lại đã được chấp nhận đơn hợp lệ.
Chương trình OCOP đã dần từng bước khẳng định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế. Các sản phẩm tham gia chương trình đã được nhân dân trong huyện, tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác biết đến. Theo Ban Điều hành OCOP huyện, từ khi chương trình được triển khai đến nay, sản lượng sản phẩm tiêu thụ tăng hằng năm. Cụ thể: Trứng vịt biển từ 350.000 quả lên 400.000 quả; củ cải khô từ 10 tấn lên 22,5 tấn; củ cải phên từ 30 tấn lên 50 tấn; nấm linh chi từ 0,5 tấn lên 1,2 tấn; gạo bao thai từ 30 tấn lên 100 tấn; lạc nhân từ 40 tấn lên 50 tấn; tương từ 20 tấn lên 30 tấn...
Đồng chí Vũ Xuân Khải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương; đưa vào sử dụng và vận hành hoạt động hiệu quả Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP huyện, tham gia mạng lưới trung tâm OCOP toàn tỉnh; hỗ trợ phát triển, nâng cao số lượng, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm hiện có, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tác giả bài viết: Thu Trang
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn