Những năm qua, việc triển khai các hội chợ, phiên chợ là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trở thành hoạt động thường niên, Hội chợ OCOP Quảng Ninh là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng trong chương trình OCOP, đồng thời khẳng định thương hiệu riêng có của tỉnh. Với việc thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm, Hội chợ đã thực sự trở thành một trong những kênh tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP quan trọng của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Chỉ tính riêng Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017, sau 7 ngày diễn ra, đã thu hút trên 66.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trên 6,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu của 14 địa phương là trên 4,2 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm OCOP nói riêng và Hội chợ OCOP Quảng Ninh nói chung. Huyện Vân Đồn là địa phương có doanh thu cao nhất (trên 620 triệu đồng), tiếp đến là TX Đông Triều (trên 529 triệu đồng), TP Uông Bí (480 triệu đồng)... Đây là con số rất đáng phấn khởi đối với các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia hội chợ; góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm; khẳng định vai trò cầu nối giữa cá nhân, tổ chức sản xuất và người dân.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long và Khách sạn Grand Hạ Long ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm. |
Tỉnh cũng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia triển lãm, trưng bày, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài nước, như: Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam... Thông qua các triển lãm, hội chợ, phiên chợ đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối, đại lý.
Xác định tầm quan trọng của khâu xúc tiến thương mại đối với chương trình OCOP, tỉnh đã quy hoạch 21 trung tâm, điểm bán hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có các trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, vận hành các điểm giới thiệu và phân phối sản phẩm có hiệu quả. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP mà còn là địa chỉ tin cậy cho người dân và khách du lịch tìm mua các sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh.
Cùng với tỉnh, các sở, ngành và địa phương tích cực triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm. Sở NN&PTNT đã giới thiệu, kết nối, tiêu thụ 30 sản phẩm (hàu Thái Bình Dương, chả mực, trà hoa vàng...) của 12 cơ sở trên địa bàn tỉnh tại thị trường Hà Nội. Hiện các sản phẩm này đã và đang đi vào các kênh phân phối lớn của thị trường Hà Nội, như hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Big Green, Bác Tôm và một số cửa hàng tiện ích khác. Bên cạnh đó, Quảng Ninh hiện có số lượng lớn các khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch cung ứng dịch vụ cho hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm. Trong đó, các khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch là kênh tiêu thụ tương đối tiềm năng đối với các cơ sở sản xuất nông sản. Vừa qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức hội nghị kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh - Khách sạn Hoàng Gia, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long - Khách sạn Grand Hạ Long đã ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả, tới đây lần đầu tiên tỉnh sẽ tổ chức Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh năm 2017, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; kết nối tiêu thụ với các kênh bán lẻ (Big C Hạ Long và một số siêu thị các tỉnh lân cận); đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm OCOP của người dân.
Tác giả bài viết: Cao Quỳnh
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn