Nhiều giải pháp công nghệ cho nuôi tôm sú hữu cơ
Những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến thủy sản như: Minh Phú, CASES, Camimex, Seanamico... đã liên kết với các ban quản lý rừng và các hộ dân nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế. Tính đến cuối năm 2017, diện tích được các tổ chức quốc tế chứng nhận khoảng 19.000 ha với gần 4.200 hộ đạt các chứng nhận: Naturland, EU, Silva shrimp... Đây là loại hình sản xuất bền vững vì hoàn toàn không sử dụng hoá chất trong quá trình nuôi.
Dự kiến đến năm 2020, Cà Mau sẽ nâng diện tích này lên 35.000 ha, có 100% hộ dân trong vùng sinh thái được tập huấn, hội thảo về nuôi tôm sinh thái, có hệ thống thu gom chất thải, 100% tham gia vào loại hình kinh tế tập thể; có 80% tôm giống cung ứng cho người dân.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, hộ nông dân thực hiện các mô hình tôm sinh thái, tôm lúa, nuôi tôm kết hợp với các đối tượng khác đưa ra nhiều giải pháp cho sự phát triển bền vững hơn những kết quả đạt được trong thời gian qua. Trong đó, vấn đề trồng rừng theo tỷ lệ quy định là một giải pháp quan trọng.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau đang từng bước phục hồi rừng. Hằng năm có trên 1.000 ha rừng được ngành nông nghiệp triển khai trồng trong mô hình rừng - tôm để mô hình này phát triển ổn định hơn.
Với tiêu chí trồng rừng gắn với biến đổi khí hậu, việc thành lập nhiều doanh nghiệp xã hội sẽ giúp cho mô hình này phát triển hơn trong thời gian tới. Đồng thời, các giải pháp như: giải pháp ương giống lớn cho nuôi tôm sú ở ĐBSCL, giải pháp kỹ thuật nuôi tôm sú - lúa hiệu quả, bền vững; giải pháp nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hiệu quả, bền vững... Các giải pháp cho các loại hình trên được các đại biểu đánh giá cao, kỳ vọng mang lại hiệu quả hơn khi được triển khai thực hiện nhân rộng trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn