PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, “Có nhiều ý kiến trái chiều về thực phẩm hữu cơ hiện nay. Nhiều người cứ nghĩ mua giống, đưa về nhà nuôi, cho ăn thực phẩm sạch… là hữu cơ nhưng thực sự không phải”.
Thực phẩm hữu cơ bao gồm rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, thịt, sữa, trứng, mật ong… thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Chúng được nuôi trồng, sản xuất trong hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp hay quốc lộ, ở vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại, chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông.
Lựa chọn thực phẩm hữu cơ cần sự thông thái của người tiêu dùng |
Một báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ năm 2017 cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam khi được phỏng vấn sẽ chọn các sản phẩm về địa phương, tự nhiên và hữu cơ khi có thể. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp/cá nhân sản xuất sản phẩm hữu cơ sẽ được chứng nhận bởi tổ chức PGS Vietnam (chứng nhận hữu cơ toàn cầu ở Việt Nam), cung cấp chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: rau hữu cơ, thịt lợn hữu cơ.
Vào năm 2004, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ đặc biệt là cho thị trường nội địa.
Như vậy, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ PGS chỉ có giá trị tham chiếu trong phạm vi Việt Nam. Các sản phẩm hữu cơ trong nước sẽ được xem là hữu cơ nếu đã được PGS Vietnam kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận. Trên bao bì sản phẩm sẽ được phép in logo của PGS Vietnam.
Để tránh rơi vào bẫy tiếp thị của các đơn vị kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng (NTD) cần quan sát và yêu cầu các chứng nhận của VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) và PGS Vietnam khi muốn mua thực phẩm an toàn, hữu cơ.
Tuy nhiên, NTD hiện đang bị đẩy vào câu chuyện thổi phồng giá thành và chất lượng của các sản phẩm hữu cơ sạch, thực phẩm hữu cơ. Theo anh Nguyễn Hoàng Phương, người sáng lập cộng đồng những người cung cấp và sử dụng thực phẩm sạch Greener, thực tế giá thành các loại thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ không đắt như mọi người nghĩ.
"Ngoài kia người ta bán 40.000 - 50.000 đồng/kg rau hữu cơ nhưng tôi bán với giá 21.000 đồng/kg đã có lãi rồi."- anh Phương chia sẻ.
Giá các loại rau sạch, tùy theo loại giấy chứng nhận mà chúng được đính kèm từ VietGap, Global Gap, PGS, USDA (chứng nhận hữu cơ Mỹ) có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, so với mức 20.000 - 40.000 đồng/kg giá rau sạch được bày bán tại các hệ thống siêu thị.
Các loại rau rừng, rau được cho là tốt cho sức khỏe hay các loại rau ít nhà cung cấp còn có giá cao hơn gấp nhiều lần. Các loại hoa quả, thực phẩm tươi sống cũng không nằm ngoài phạm vi bị "thổi" giá của các cửa hàng thực phẩm sạch.
Các loại thực phẩm tươi sống, từ gà, bò, tôm, cá... cũng cùng chung tình trạng này khi giá bán luôn cao gấp vài lần so với các sản phẩm cùng loại nhưng không được gắn mác thực phẩm sạch hoặc được bán ở các cửa hàng nhỏ thay vì các shop thực phẩm lớn.
Thực tại, rất khó để có thể tìm được mức giá thực tế của từng loại thực phẩm sạch vì mỗi cơ sở nuôi trồng, chế biến, mỗi đơn vị phân phối, bán lẻ... đều có quy trình riêng nên giá của các sản phẩm này là không cố định.
Theo giải thích của anh Nguyễn Hoàng Phương, với tính chất là một cộng đồng chung, Greener là nơi gặp gỡ trực tiếp giữa nhà sản xuất và NTD, do vậy nếu gặp đúng những người sản xuất thực phẩm hữu cơ thì NTD có thể mua được sản phẩm với giá rất tốt.
"Trên thị trường, do khâu trung gian nên chi phí bị đẩy lên nhiều dẫn đến việc giá các loại thực phẩm đang khá đắt so với giá trị thực sự", anh Nguyễn Hoàng phương cho biết.
Các chi phí đắt đỏ như thuê địa điểm "vàng" đặt cửa hàng như các góc ngã 3, ngã 4 đường phố lớn, tầng trệt các khu đô thị sang trọng; đầu tư nhiều vào trang thiết bị, nhân sự và đặc biệt là chi phí quảng cáo... khiến giá bán của sản phẩm bị đẩy lên nhiều lần so với giá thành ban đầu.
Theo giới chuyên gia, một lý do nữa khiến giá bán các loại thực phẩm hữu cơ bị thổi lên tận... mây xanh là do thói quen suy nghĩ "tiền nào của nấy" của một số NTD.
Do vậy, với quá nhiều các tầng bậc chồng chéo, việc tháo gỡ nút thắt về giá thực phẩm hữu cơ và đưa chúng về đúng với giá trị thật để tiếp cận được nhiều NTD hơn vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Theo Xuân Thanh/phapluatxahoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn