Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ phát triển 12 sản phẩm cấp tỉnh. (Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh) |
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 đề ra là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các hiệp định thương mại. Hiện thực hóa mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh đang từng bước hình thành, xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và quốc gia. Đây được coi là những bước đầu tiên trong việc triển khai xây dựng các sản phẩm chủ lực.
Từ kinh nghiệm của giai đoạn 2013-2016, ngay từ những bước đi đầu tiên của việc xây dựng các sản phẩm chủ lực, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh đã triển khai một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học. Trong đó giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT hoàn thiện xây dựng lộ trình, kế hoạch và ban hành bộ tiêu chí tạm thời xác định các sản phẩm OCOP chủ lực. Trên cơ sở đó, tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương thực hiện. Điều này cho thấy sự quan tâm sát sao của tỉnh trong xây dựng các bước triển khai phát triển sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch riêng biệt, cụ thể, đồng bộ phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020. Trong đó, sẽ đánh giá cụ thể điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng về thị trường của các nhóm sản phẩm thực vật, động vật, tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở đó, sẽ đề ra các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đối với nhóm sản phẩm cấp tỉnh, cấp quốc gia, các nhiệm vụ chung, các nội dung ưu tiên đối với từng nhóm sản phẩm.
Đồng thời, kế hoạch cũng phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, HTX. Việc ban hành kế hoạch riêng biệt nhằm ưu tiên các nguồn lực phát triển thành công các sản phẩm OCOP chủ lực có trọng tâm, góp phần chuyển từ “lượng” sang “chất” của sản phẩm, đưa chương trình vào chiều sâu.
Miến dong Bình Liêu là một trong các sản phẩm dự kiến lựa chọn sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. |
Phát triển các sản phẩm chủ lực là những giải pháp quan trọng hiện thực hóa mục tiêu chuyển từ “lượng” sang “chất” của chương trình OCOP trong giai đoạn 2017-2020. Do đó, một trong những yếu tố tiên quyết Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh xác định đó là xây dựng tiêu chí xác định các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và quốc gia. Bộ tiêu chí này xác định các sản phẩm chủ lực phải có tính độc đáo, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của Quảng Ninh, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Sản phẩm có quy mô sản xuất lớn với chất lượng đồng nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các sản phẩm phải có tiềm năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; khả năng cung ứng cho thị trường với sản lượng lớn, ổn định, lâu dài; có khả năng gắn kết giữa sản xuất với các cơ sở chế biến. Bộ tiêu chí cũng quy định rõ các tiêu chí bắt buộc về xếp hạng đánh giá, tổ chức sản xuất, chất lượng, thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, doanh thu, hiệu quả môi trường chấp hành các chính sách, pháp luật đối với sản phẩm cấp tỉnh.
Đối với sản phẩm định hướng cấp quốc gia còn phải đảm bảo các tiêu chí về doanh thu, khả năng xuất khẩu, sử dụng nguyên liệu đầu vào, tạo việc làm ổn định. Các tiêu chí bắt buộc này sẽ được cụ thể hóa để đánh giá bằng các tiêu chí chấm điểm. Bộ tiêu chí này là cơ sở quan trọng rà soát, lựa chọn, xác định danh mục các sản phẩm OCOP chủ lực nhằm phát huy thế mạnh địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, có sức cạnh tranh. Đây cũng là bộ công cụ quản lý, đánh giá các sản phẩm để tập trung phát triển với việc đầu tư bài bản, bền vững, quy mô lớn.
Mặc dù sắp hết quý I/2018 (năm thứ 2 của chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020) song đến nay Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh chưa chốt được kế hoạch cũng như bộ tiêu chí xác định. Trong khi đó, đây là nền tảng quan trọng để phát triển sản phẩm OCOP chủ lực nói riêng đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình OCOP giai đoạn 2. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, quốc gia, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, gián tiếp tạo sức ỳ cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, chương trình OCOP chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Vì vậy, hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến các địa phương, việc xây dựng các bước căn bản phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực nói riêng sẽ nhanh chóng được hoàn thành, góp phần đưa các sản phẩm OCOP không ngừng vươn xa.
Theo Cao Quỳnh/baoquangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn