OCOP - xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất nhiều bất cập. Mặc dù GDP chỉ chiếm 15,6% nhưng có tới 46% lao động làm việc trong nông nghiệp. Trong khi khu vực nông thôn ngày càng thiếu lao động trẻ; lao động chất lượng cao thì phần lớn di cư về thành phố, còn lại 70% số cư dân ở nông thôn với thu nhập rất thấp. Từ thực tiễn triển khai của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng cho thấy, chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng nội sinh là hết sức đúng đắn. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT quyết định phát động chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phát triển nông thôn gắn với 2 mục tiêu cốt lõi là: Xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Các sản phẩm của Hà Tĩnh tham dự Hội chợ OCOP lần thứ V tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh (tháng 9/2017). Ảnh: Ngô Thắng
Kết quả của “OCOP” sẽ là phát triển sản xuất tập trung quy mô hàng hóa đối với nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế của huyện, xã trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; hỗ trợ phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp, tạo thêm động lực quan trọng làm gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư nông thôn; xây dựng thương hiệu của sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn cả nước nói chung, các địa phương nói riêng ở cả trong nước và quốc tế.
Việc phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như: Giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Sản phẩm có lợi thế của Hà Tĩnh
Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, qua học tập kinh nghiệm OCOP Quảng Ninh và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề cương hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, tỉnh Hà Tĩnh đã, đang tích cực triển khai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, phấn đấu hoàn thành, phê duyệt trong tháng 9.
Theo phân tích của ông Oánh, mặc dù Hà Tĩnh có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công được nhiều người biết đến như: Bưởi Phúc Trạch, nhung hươu, cam bù Hương Sơn, cam chanh Thượng Lộc, cam Khe Mây, đồ gỗ Thái Yên…, tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia. Thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, sản xuất nhỏ, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là “xuất thô”, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.
“Tiềm năng, lợi thế này sẽ được đánh thức, cải thiện rất lớn nếu các sản phẩm nông nghiệp, thủ công có chất lượng tốt được tham gia OCOP” - ông Oánh khẳng định.
Theo báo cáo kết quả điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Tĩnh có 74 sản phẩm có thế mạnh, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó, có 14 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, 26 sản phẩm có đăng ký sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 1.377 tỷ đồng/năm (năm 2016); thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Về chủ thể sản xuất, trong tổng số 89 tổ chức đang sản xuất sản phẩm địa phương, có 18 hộ gia đình, 14 doanh nghiệp, 5 làng nghề, 1 hiệp hội, 31 HTX, 20 tổ hợp tác đại diện cho các hộ SXKD. Tổng số vốn huy động SXKD 150 tỷ đồng.
“Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM” - Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết.
Người dân và tổ chức kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong chương trình OCOP; là người phát hiện ra tiềm năng của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời, lập kế hoạch để phát triển, tập trung sản xuất, chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi tham gia OCOP, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ: Tín dụng, hạ tầng, khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm, đào tạo nâng cao kiến thức, xúc tiến thương mại, quảng bá, phân phối sản phẩm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn