Tại Diễn đàn quốc tế Nông nghiệp hữu cơ diễn ra cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo làm nông nghiệp hữu cơ giúp để lại cho con cháu một đất nước xanh - sạch - đẹp; nông nghiệp hữu cơ không chỉ phục vụ người giàu hoặc xuất khẩu mà hướng tới phục vụ đa số người tiêu dùng.
Chưa thể giảm giá
Theo số liệu nghiên cứu của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, ở các nước phát triển, xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đã định hình và dần được nâng cấp thành phong cách sống hữu cơ. Trung bình các nước mất 20-30 năm phát triển hữu cơ chính quy; quy mô của thực phẩm hữu cơ trên toàn thế giới rất khiêm tốn với tối đa 5% thị phần ở một số nước. Tại Việt Nam hiện chỉ 3% người tiêu dùng ở TP HCM và Hà Nội sử dụng thực phẩm hữu cơ, đa phần mới bắt đầu dùng dưới 2 năm trở lại.
Khách hàng mua rau hữu cơ tại một siêu thị ở TP HCM
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới, kể Tết vừa rồi ông đã mua gạo hữu cơ giá cao gấp 3 lần gạo thường để làm quà biếu vì tin tưởng gạo hữu cơ an toàn hơn, chất lượng hơn. "Thật buồn vì Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng vào siêu thị khó tìm gạo hữu cơ trong khi gạo hữu cơ của Nhật, Lào, Campuchia bày bán khá nhiều, giá cao" - ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, thị trường đang hình thành bộ phận người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao để mua sản phẩm đúng chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết mục tiêu của nhà nước và các đơn vị kinh doanh là hướng tới giảm giá sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, quy mô nông nghiệp hữu cơ hiện chưa đủ lớn nên chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm còn cao. Việc hạ giá thành sản phẩm sẽ khiến nông dân, nhà cung cấp gặp nhiều khó khăn do không đủ nguồn thu để tiếp tục duy trì. Hiện Saigon Co.op đang xây dựng lòng tin của người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ và tuyên truyền lối sống hữu cơ; song song đó tìm thêm nguồn cung trong nước lẫn nhập khẩu để đa dạng chủng loại, tăng sản lượng. "Chúng tôi đang kinh doanh sản phẩm hữu cơ với giá bằng 60%-80% thị trường và đang nỗ lực tăng nguồn cung, giảm giá bán nhưng đây là quá trình lâu dài" - ông Kiên cho biết.
Nhiều nhà khoa học, nhà sản xuất - kinh doanh cho rằng thị trường hữu cơ mới hình thành trong thời gian ngắn, đang trong giai đoạn nuôi dưỡng và tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nên chưa thể mở rộng sản xuất hữu cơ và giảm giá để phục vụ đại đa số người tiêu dùng. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, gần đây một số doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư vào lĩnh vực hữu cơ và đã có sản phẩm ra thị trường, cạnh tranh thị trường bắt đầu hình thành nhưng còn sơ khai. Trong điều kiện sản xuất hữu cơ cần đầu tư lớn ban đầu để cải tạo nguồn đất, nước, môi trường cùng hàng loạt chi phí khác thì đầu ra sản phẩm cần hợp lý, bảo đảm lợi nhuận để động viên nhà sản xuất tiếp tục đầu tư. Đợi đến khi nhận thức về nông nghiệp hữu cơ nâng dần lên, nhà nước và các địa phương có chính sách khuyến khích sản xuất hữu cơ quy mô lớn, DN tham gia nhiều hơn, sản lượng tốt hơn thì bản thân thị trường sẽ điều chỉnh giá.
Lành mạnh hóa thị trường
Theo các DN, việc quan trọng trước mắt không phải là kéo sản phẩm hữu cơ đến gần người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn mà cần lành mạnh hóa thị trường để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư. Hiện nhiều cửa hàng đua nhau trưng biển "Thực phẩm organic", rầm rộ quảng cáo "Sản phẩm 100% hữu cơ" hay "Thực phẩm dinh dưỡng tự nhiên, siêu sạch"… nhưng lại bán thực phẩm không phải hữu cơ hoặc chỉ sản xuất theo hướng hữu cơ (chưa có chứng nhận) khiến thị trường thực phẩm hữu cơ hỗn loạn, giá cả bị đội lên vô chừng khiến người tiêu dùng hoang mang. Mặc dù vậy, lĩnh vực này gần như đang bỏ trống, chưa cơ quan nào kiểm tra, giám sát. Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn cũng chưa có cơ quan giám sát sản xuất, kinh doanh hữu cơ nên sản phẩm trôi nổi, giả hữu cơ còn nhiều, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm hữu cơ thật. "DN kinh doanh sản phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế (USDA của Mỹ, EU của châu Âu)... và phải kiểm soát rất nghiêm ngặt. Một trong những yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận là nhà sản xuất phải đăng ký số lượng, sản lượng kinh doanh tương ứng với diện tích được chứng nhận để họ kiểm soát; nếu phát hiện mang sản phẩm bên ngoài vào kinh doanh giả làm sản phẩm hữu cơ sẽ bị thu hồi chứng nhận. Trong khi đó, những người làm ăn gian dối thì tự do "tung hoành", gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính" - ông Kiên dẫn chứng.
Các DN nhiều lần kiến nghị nhà nước xây dựng cơ chế chính sách ủng hộ phát triển sản xuất hữu cơ, cụ thể là hỗ trợ các đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp lẫn trực tiếp canh tác; xây dựng bộ tiêu chuẩn và hệ thống giám sát chặt chẽ, khoa học để giảm thiểu tình trạng đánh lận con đen, loại trừ những người kinh doanh gian dối và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những DN làm ăn chân chính.
Ý KIẾN
Ông PHẠM TRUNG KIÊN, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op:
Còn nhiều khó khăn
Saigon Co.op là nhà phân phối tiên phong đi vào lĩnh vực hữu cơ. Chúng tôi không chỉ muốn dấn thân kinh doanh mà còn muốn tạo nên cộng đồng có lối sống hữu cơ. Vì vậy, chúng tôi đang quảng bá lối sống hữu cơ: cân bằng và chịu trách nhiệm lẫn nhau trong cộng đồng nhà sản xuất, người sử dụng và hài hòa với tự nhiên. Sau 1 năm ra mắt dùng sản phẩm Co.op Organic, Saigon Co.op đạt được một số mục tiêu tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều thời gian để phát triển. Thứ nhất, thị trường hữu cơ chính thống ở TP HCM và Việt Nam còn rất nhỏ, hiểu biết và sự chấp nhận của người tiêu dùng về hữu cơ còn rất hạn chế nên quan tâm nhiều đến giá, chất lượng. Thứ hai, chuỗi cung ứng ở Việt Nam còn yếu, sản xuất quy mô nhỏ, sản lượng chưa đa dạng, ổn định. Thứ ba, tình trạng hữu cơ tự phong, giả hữu cơ để trục lợi khiến người tiêu dùng hoang mang.
TS NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới:
Phải có chính sách hỗ trợ
Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hô hào phát triển sang nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa có chính sách thiết thực ưu tiên cho DN lĩnh vực này. Chẳng hạn chính sách trợ vốn cho nhà sản xuất để hạ chi phí, hỗ trợ cho nhà bán lẻ để đưa được giá thành tốt nhất đến tay người tiêu dùng, qua đó điều phối cung - cầu và định hướng phát triển. Phải có chính sách tốt thì DN mới mạnh dạn đầu tư, sản phẩm mới có thể ra thị trường nhiều hơn và giá cạnh tranh hơn. Chỉ khi nào DN với nông dân và có sự hỗ trợ của nhà khoa học, nhà nước thì mới hình thành và phát triển chuỗi giá trị cho nông nghiệp hữu cơ được.
T.NHÂN ghi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn