Mặc dù có tiềm năng nhưng nhiều năm qua, nông nghiệp hữu cơ ở nước ta mới chỉ dừng lại ở dạng mô hình, do thiếu hành lang pháp lý về chứng nhận sản phẩm, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ... Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cần thiết, đáp ứng đòi hỏi hiện nay.
|
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Ảnh: Hải Anh |
Thiếu “giấy thông hành”
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cả nước hiện có 10 triệu héc ta đất canh tác, hệ sinh thái đa dạng, thuận tiện cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nhưng hiện chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở mà chủ yếu là mô hình doanh nghiệp tư nhân, nhóm hộ nông dân.
Theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đến nay vẫn chưa có văn bản quy định về chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ; chưa hình thành được kênh chính thống cung cấp thông tin đến người tiêu dùng. Hạ tầng phụ trợ, cung cấp vật tư "đầu vào" cho nông nghiệp hữu cơ như phân bón sinh học, thảo mộc, thức ăn, thuốc thú y… hầu như chưa có; phí chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi đơn vị chứng nhận trong nước chưa được hình thành; nhân sự được đào tạo và có kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ rất ít. Thêm vào đó, sản phẩm hữu cơ của nông dân sản xuất đơn điệu (chủ yếu là rau, củ, quả) và phần lớn tiêu thụ trong nước...
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa có chế tài xử phạt những cơ sở gắn nhãn mác sản phẩm hữu cơ nhưng chất lượng không bảo đảm. Giám đốc Công ty TNHH Green Life Việt Nam Đỗ Ngọc Trâm cho rằng: Việc chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ gây tranh cãi cho cả người bán và người mua. Một số sản phẩm trong nước hiện đã được các tổ chức quốc tế cấp giấy chứng nhận nhưng khó bán giá cao hơn sản phẩm thông thường. Trong khi đó, chi phí sản xuất lớn, gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích...
Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Theo Liên đoàn Các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), hiện Việt Nam được xếp thứ 51/179 quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, mô hình này ở nước ta còn yếu, do chưa có chính sách hỗ trợ. Hơn nữa, đồng đất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân sản xuất tự do theo tập quán, nên càng khó phát triển nông nghiệp hữu cơ...
Việc làm cần thiết
Hiện nay, việc xây dựng dự thảo Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được thực hiện. Đây là việc làm cần thiết, là “chìa khóa” hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng đề nghị: Trước khi các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần phải quy định rõ về chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ cần lộ trình phù hợp, xuất phát từ điều kiện cụ thể của từng địa phương, trên cơ sở xác định rõ sản phẩm chiến lược và vùng trọng điểm để đầu tư "trúng", đạt hiệu quả, bền vững. Quy mô sản xuất, các chủng loại sản phẩm cần phù hợp nhu cầu thị trường và lợi ích cộng đồng...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang rất mong chờ chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao đất, cho thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực này. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho chế biến phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu. Do đó, Bộ sẽ bàn với các bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm khi được ban hành, Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ sát với thực tế, có tính định hướng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Ngoài các quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo nghị định cũng tập trung vào nhiều chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, tùy từng vùng và khu vực.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn thân thiện với môi trường. Vì vậy, để phát huy hiệu quả, rất cần một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ được ban hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập.