Nếu như trước năm 2012, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, hàng không đủ bán ra thị trường, bị động về nguyên liệu sản xuất do chưa chế biến được bột dong riềng khô thì đến nay những hạn chế này đã hoàn toàn được tháo gỡ nhờ áp dụng KHCN. Dưới sự hỗ trợ của tỉnh và Sở KH&CN, đơn vị đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, được chuyển giao công nghệ từ Công ty CP Kỹ thuật thiết bị môi trường (Hà Nội). Với việc đầu tư khu rửa, nghiền bột, lắp đặt dây chuyền máy tách bột sạch, hệ thống sấy, hệ thống hút chân không..., Công ty đã sản xuất thành công bột dong riềng khô, kéo dài được thời gian bảo quản nguyên liệu trong suốt 12 tháng thay vì 1-2 tháng như bảo quản bột ướt trước đây. Từ thành công này, Công ty đã đầu tư kinh phí mở rộng quy mô sản xuất gấp 4 lần, mỗi năm đứng ra thu mua hàng nghìn tấn nguyên liệu thô của người dân, lượng tiêu thụ miến dong tăng đột biến, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở Bình Liêu và Tiên Yên. Đến nay, miến dong Bình Liêu đã trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của huyện và của tỉnh, có mặt tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước.
Hệ thống máy sấy bột dong riềng hiện đại của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu (huyện Bình Liêu). |
Hay như đối với sản phẩm củ cải Đầm Hà, đây là giống củ cải được trồng lâu đời trên địa bàn huyện, do phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng, có hương vị riêng nên mỗi năm cho thu hoạch 3.000-7.000 tấn và trở thành sản phẩm đặc trưng mỗi khi nhắc tới Đầm Hà. Tham gia chương trình OCOP, huyện đã lựa chọn sản phẩm này để phát triển, tuy nhiên, do việc chế biến và sản xuất còn thủ công, phơi khô theo phương pháp truyền thống nên thời gian đầu, sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế như: Có mùi hôi, màu không bắt mắt, thời gian chế biến lâu.
Năm 2016, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Trường Sơn xây dựng kho bảo quản lạnh, lò sấy và công nghệ chế biến củ cải ăn liền vào hoạt động. Đây là hệ thống đầu tư nằm trong dự án “Ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm củ cải thương hiệu tại Đầm Hà” do Sở KH&CN làm chủ đầu tư. Việc áp dụng KHCN trong chế biến, bảo quản đã giải quyết được hạn chế lớn nhất của sản phẩm này về mùi vị và màu sắc. Hiện sản phẩm OCOP này đã không còn mùi hôi, màu sắc sáng, bắt mắt. HTX còn tạo ra sản phẩm mới là củ cải ăn liền thay vì chỉ có củ cải khô và củ cải phên như trước.
Sản phẩm củ cải Đầm Hà (huyện Đầm Hà) hiện đã được sấy khô nên không còn mùi hôi, màu sáng bắt mắt. |
Không chỉ có miến dong Bình Liêu, củ cải Đầm Hà, mà một loạt các sản phẩm khác đã được Sở KH&CN hỗ trợ, ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng, số lượng của sản phẩm, như: Sản xuất giống, nuôi cấy ngọc trai môi vàng; nuôi thương phẩm ghẹ xanh Móng Cái; nấm kim châm Long Hải; cua biển Quảng Yên; cá song Đầm Hà; tỏi đen Thái An…
Bên cạnh việc chú trọng áp dụng KHCN, Sở cũng đã làm việc với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh để hướng dẫn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch. Đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá về nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN để tư vấn, phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương như: Công nghệ sản xuất rượu khoai, công nghệ thái lát bán tự động trong sản xuất chanh đào mật ong (huyện Hải Hà); ứng dụng hệ thống máy móc tự động trong sản xuất giò chả (TP Móng Cái); công nghệ canh tác theo hướng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng na dai (TX Đông Triều)…
Với việc tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao nhiều công nghệ mới vào sản xuất và chế biến nên chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt các sản phẩm có thế mạnh trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng gỡ được những “nút thắt” trong công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, từ đó góp phần hình thành và phát triển nhiều sản phẩm OCOP với uy tín và chất lượng vượt trội.
Hoàng Nga
Nguồn tin: https://www.quangninh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn