Nông dân chăm sóc lúa hè thu
Theo ông Huỳnh Trung Phượng - Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, muỗi hành xuất hiện trong vụ ĐX năm 2017-2018 vào thời điểm giữa cuối tháng 12/2017 và đầu tháng 1/2018, tập trung vào những ô bao xuống giống muộn so với khu vực lân cận, gây hại chủ yếu là giai đoạn mạ, đẻ nhánh với diện tích 17.500ha, chủ yếu tại các huyện: Tân Hồng, Thanh Bình, Tam Nông. Hiện tại, bệnh muỗi hành cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên khả năng bệnh lây lan cho vụ hè thu sẽ còn diễn ra. Bên cạnh muỗi hành, các đối tượng rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá cũng đang xuất hiện, vì vậy nông dân cần lưu ý trong vụ hè thu sắp tới.
Riêng bệnh muỗi hành, nguyên nhân khiến dịch bệnh bộc phát vừa qua, ngoài cơ cấu mùa vụ thì lịch thời vụ của một số địa phương còn nhiều bất cập, trong một ô bao có nhiều trà lúa gối nhau tạo điều kiện cho dịch bệnh trên lúa phát triển, trong đó có muỗi hành lây lan rất khó quản lý. Ngoài ra, muỗi hành bộc phát là do tập quán canh tác sạ dày và lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu sớm (khoảng 1-2 lần 40 ngày sau sạ), đa số là có sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng dẫn đến sự mất cân bằng hệ sinh thái sẽ dễ bộc phát dịch hại về sau, đặc biệt là muỗi hành.
Hiện tại, lúa ĐX đã cơ bản thu hoạch xong, chỉ còn một số ít xuống giống muộn đang trong giai đoạn trổ chín, trong khi đó, có gần 70.000ha (khoảng 40% diện tích/190.000ha theo kế hoạch) đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Dự báo thời gian tới, ngoài các đối tượng như: sâu cuốn lá, bù lạch, chuột, ốc bươu vàng, nhện gié, bệnh đạo ôn, vàng lá chín sớm... nông dân cần lưu ý một số đối tượng khác như: rầy nâu, bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Hiện nay, rầy nâu đang nở rộ ở trà lúa hè thu sớm từ tuổi 2, tuổi 4, tuổi 5, đồng thời bắt đầu giữa hoặc cuối tháng 3 này sẽ có một lứa rầy di trú cao do diện tích lúa ĐX đang thu hoạch, khả năng rầy di trú sẽ có chiều hướng tăng cao trên lúa hè thu.
Để hạn chế dịch hại trên lúa, đối với những diện tích đã xuống giống, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu, đặc biệt là những lứa rầy đang nở để có thể kiểm tra, xử lý kịp thời. Riêng đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống hè thu, đề nghị nông dân sau khi thu hoạch lúa ĐX 2017-2018 phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 3 tuần, theo dõi rầy di trú tại các bẫy đèn để xây dựng lịch với phương châm tập trung đồng loạt, né rầy từng khu bao, khu vực không để trong một khu bao có nhiều trà lúa rất khó kiểm soát.
Ngoài ra, các địa phương có thể cắt vụ để điều chỉnh lịch xuống giống theo khung thời vụ chung của tỉnh, điển hình như Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười đã ngưng vụ để cắt dịch bệnh muỗi hành và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.
Thao Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn