Vùng ĐBSCL chiếm 90% diện tích nuôi tôm cả nước, sản lượng 70%. Thế nhưng, năm 2014, sản xuất tôm giống mới chiếm 25,7% cả nước (20/77,8 tỷ con giống). Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản cho biết, vùng này vẫn phải nhập tôm giống từ các tỉnh Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất vùng, tỷ lệ giống phải nhập đến 70%. Cà Mau là tỉnh duy nhất có nguồn tôm giống bố mẹ nhưng diện tích nuôi tôm lớn nhất vùng nên số lượng giống phải nhập cũng lớn nhất. Giống nhập lớn, nguồn đa dạng mà việc kiểm dịch còn yếu nên nhìn chung không đảm bảo chất lượng.
Giống kém chất lượng cùng tình trạng không kiểm soát được môi trường nên dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, diện tích tôm bị thiệt hại so với diện tích nuôi: năm 2011 chiếm 71,6%, năm 2012 chiếm 57%, năm 2013 giảm xuống 30% thì năm 2014 lại tăng lên 35,1%. Vụ tôm năm nay, tính đến ngày 9/3, tỉnh mới thả nuôi được 6,1% kế hoạch, chậm hơn cùng kỳ khoảng 50%. Dù thả nuôi còn ít nhưng diện tích bị thiệt hại cũng đã chiếm 10,5%.
Các cơ sở nuôi tôm đều mong Nhà nước có biện pháp kiểm soát chất lượng tôm giống. Tổng cục Thủy sản cho biết, đang có chủ trương xã hội hoá quản lý giống, đó là "khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đánh giá chất lượng và cung cấp chứng nhận phù hợp".
Hiện nay, trong sản xuất tôm giống đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, giống nhập về chất lượng cao. Theo Tổng cục Thủy sản, có thể kể tên một số doanh nghiệp lớn như Việt - Úc, Number 1, Winco…, tương lai việc cung cấp giống của các doanh nghiệp đáp ứng tốt sẽ dần dần sàng lọc những cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng.
Tập đoàn Việt - Úc từ năm 2011 đã ký kết hợp tác với Viện CSIRO của Úc để thực hiện chương trình "Phát triển tôm chân trắng bố mẹ tại Việt Nam", đã đạt được kết quả bước đầu. Hiện nay, Tập đoàn cũng là doanh nghiệp duy nhất được Tổng cục Thủy sản phê duyệt chương trình sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Báo cáo giữa kỳ vào tháng 5/2014 của Tập đoàn cho biết, qua hai thế hệ chọn giống đã đạt tỷ lệ tăng trưởng nhanh. Hy vọng, năm 2015 sẽ sản xuất được tôm giống chân trắng từ những con tôm bố mẹ đầu tiên, đánh dấu giai đoạn Việt Nam không còn phụ thuộc vào tôm chân trắng bố mẹ nhập khẩu.
Với nỗ lực đầu tư và kết quả của các doanh nghiệp lớn sản xuất giống, hy vọng một ngày không xa thị trường tôm giống sẽ được kiểm soát, đáp ứng tốt nhu cầu của người nuôi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn