Người dân Phong Hải bắt đầu thả nuôi tôm vụ mới
Nỗi lo dịch bệnh
Các địa phương đang tất bật chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Cứ mỗi khi bước vào vụ, người dân lại nơm nớp âu lo trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp do thời tiết, biến đổi khí hậu, chất lượng giống...
“Hầu như vụ nào cũng xảy ra dịch bệnh. Vụ nào may mắn xử lý dịch kịp thời, triệt để thì có lãi, còn lại thua lỗ vì để dịch lây lan, mất kiểm soát”, ông Trần Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền) nói.
Tuy có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm nhưng ông Chương không khỏi lo ngại trước tình hình dịch bệnh. Các loại bệnh nguy hiểm thường gặp như đốm trắng, đầu vàng, taura, hội chứng gan tụy... Có nhiều nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, trong đó yếu tố môi trường, thời tiết, chất lượng giống là chính.
Bà Lê Thị Khoa ở thôn 14, xã Quảng Công có hơn 30 năm trong nghề nuôi trồng thủy sản cũng nhiều vụ trắng tay khi tôm bị dịch bệnh. Gần đây, hộ bà Khoa cũng như người dân xã Quảng Công và nhiều địa phương chuyển sang nuôi tôm xen ghép cá, cua và thực hiện các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu đã hạn chế tối đa dịch bệnh. Tuy nhiên, theo bà Khoa: “Dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không chủ động xử lý, ứng phó kịp thời”.
Ông Võ Như Thanh, hộ nuôi tôm trên cát ven biển ở xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ, dịch bệnh trên tôm chân trắng có thể xảy ra mọi thời điểm, nhưng thông thường vào đầu vụ, mới thả nuôi 1 tuần đến 10 ngày đầu, hoặc vào giữa, cuối vụ. Dịch bệnh xảy ra đầu vụ thường do chất lượng giống “có vấn đề”. Còn dịch giữa và cuối vụ thường do thời tiết phức tạp, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm...
Theo ông Phan Khánh-Chủ tịch UBND xã Phong Hải, dịch bệnh trên tôm chân trắng thường xảy ra tràn lan, diện rộng. Trường hợp dịch bệnh được khống chế thì tôm cũng bị hao hụt, chậm phát triển. Từ đầu vụ, cán bộ khuyến nông địa phương đến tận từng hộ nuôi tôm để tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ các quy trình kỹ thuật, xử lý môi trường, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Người dân Quảng Công xử lý ao hồ chuẩn bị thả tôm
Cần tuân thủ các quy trình,kỹ thuật nuôi
Ông Hà Văn Duy, cán bộ phụ trách thủy sản thuộc Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đánh giá, mấy năm gần đây tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do dịch bệnh. Mặc dù trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng hóa các đối tượng NTTS, nuôi xen ghép, nhưng con tôm vẫn là chủ đạo thường xuyên dịch bệnh. Năm 2016, toàn huyện có khoảng 606 ha NTTS nước lợ, có đến 90% diện tích bị thiệt hại, thua lỗ. Riêng năm 2017, tình hình dịch bệnh có hạn chế, song vẫn có đến 40-50% hộ thua lỗ do dịch bệnh trên tôm nuôi.
Đầu vụ mới này, Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cử cán bộ khuyến nông thủy sản bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn quy trình sản xuất, tuyên truyền vận động các hộ nuôi tuân thủ khung lịch thời vụ và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tôm nuôi bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, taura, hội chứng gan tụy. Khi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh phải báo cho trạm chăn nuôi thú ý (CNTY) các huyện, thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả.
TS.Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CCNTY tỉnh cho biết, ngay từ đầu vụ, ngành thú y phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp ứng phó, xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi. Yêu cầu trước mắt, người dân phải phực hiện đầy đủ các bước từ tẩy dọn ao, bón vôi, phơi ao, cấp và xử lý nước trước khi thả tôm giống. Giống nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn. Giống từ cơ sở sản xuất ngoại tỉnh nhập về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, được kiểm tra chất lượng theo quy định.
Tôm giống nhập ngoại tỉnh phải khai báo với trạm CNTY các huyện hoặc Chi cục CNTY tỉnh trước lúc thả nuôi ít nhất 1 ngày. Nguồn giống phải qua kiểm tra tại các chốt kiểm dịch. Lô tôm giống phải có thủ tục kiểm dịch đúng quy định. Những lô giống chưa qua kiểm dịch, chưa được xét nghiệm phải được giám sát tại ao nuôi và báo cho trạm CNTY huyện để giám sát, kiểm dịch lại.
Trong quá trình nuôi, người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu không bình thường của tôm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ thức ăn, chủng loại và hạn sử dụng về thuốc thú y. Các hộ nuôi tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm cấm, sản phẩm quá hạn, bảo quản thức ăn và thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát.
Đối với cơ sở nuôi trong vùng có dịch bệnh nhưng chưa xảy ra dịch cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, tăng cường chăm sóc và tăng sức đề kháng cho tôm. Đối với cơ sở nuôi ao, đầm cần hạn chế tối đa bổ sung nước; thay nước trong thời gian địa phương công bố dịch, hoặc cơ sở nuôi xung quanh có thông báo xuất hiện bệnh.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn