Gà thả vườn là đối tượng nuôi chủ lực, được coi là thế mạnh của Việt Nam khi hội nhập. Nuôi gà thả vườn đòi hỏi kỹ thuật an toàn, quy trình riêng. Khi mô hình chăn nuôi gà thả vườn phát triển mạnh mẽ, số lượng nhiều, cộng với mức độ môi trường ngày càng ô nhiễm, tình hình các loại dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Trong xu thế phát triển chung, mô hình nuôi gà thả vườn được các hộ nuôi thả với mật độ lớn và số lượng nhiều hơn. Mặc dù quy mô, tổng đàn chăn nuôi gà lông màu thả vườn lớn hơn nhiều lần so trước đây, theo số liệu thống kê, lượng gà này lên tới hàng trăm triệu con, nhưng cách thức chăn nuôi gà thả vườn của người nông dân không thay đổi.
Theo thống kê, những vùng chăn nuôi gà thả vườn lớn tại miền Bắc như: Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương…, đặc biệt là những năm thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, dịch bệnh trên gà thả vườn xảy ra thường xuyên và diễn biến khá phức tạp. Các bệnh phổ biến trên gà mấy năm gần đây bao gồm đầu đen, ký sinh trùng đường máu, cầu trùng, Newcastle, Gumboro… Cùng đó là việc thả gà không có sự kiểm soát trong bối cảnh chăn nuôi số lượng lớn lại bộc lộ mặt hạn chế khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do chất thải của gà quá nhiều (nuôi mật độ dày) khiến đất bị ô nhiễm, là mầm mống lưu cữu dịch bệnh năm này qua năm khác.
Ở các vùng trung du, nông thôn, đất đai rộng, người chăn nuôi vẫn giữ quan niệm nuôi gà thả vườn là phải cho gà chạy khắp vườn, thả trên đồi cây ăn quả để vật nuôi khỏe mạnh, thịt thơm ngon, rắn chắc. Tuy nhiên, quan niệm này có sự sai lệch, khiến năng suất nuôi gà bị ảnh hưởng.
Theo các nhà khoa học, với môi trường chăn nuôi ngày càng ô nhiễm như hiện nay, người chăn nuôi gà phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Nuôi gà thả vườn không nên thả tự do như trước đây, cần thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn. Ðầu tiên, phải đảm bảo đúng mật độ, không nên nuôi quá dày bởi mật độ cao khiến gà thiếu thức ăn, nhiều chất thải dẫn tới ô nhiễm môi trường, sức đề kháng yếu, dẫn tới dễ mắc bệnh. Ngoài ra, hàng tuần, hàng tháng cần xới đất vườn, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột để hạn chế, tiêu diệt các mầm bệnh trú trong chất thải của gà. Ðặc biệt, phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ việc dùng các loại vaccine trên gia cầm đã có quy trình được khuyến cáo rộng rãi.
Mặt khác, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trên chăn nuôi gà thả vườn, những người nuôi đã thay đổi tư duy, thói quen trong việc đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà thả vườn theo mô hình, cách thức quản lý, kiểm soát tiến bộ mới. Khi gà còn nhỏ, sức đề kháng yếu, gà thả vườn được nuôi nhốt trong chuồng. Khi gà trưởng thành, chuẩn bị được xuất bán, người nuôi nên thả ra các khu vận động, từ đó giúp màu lông đẹp, chất lượng thịt ngon hơn. Tuân thủ lịch tiêm chủng, tiêm phòng, chế độ thức ăn cho gà khi trưởng thành.
Theo ông Lê Thành Sự, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Ðỗ Sơn (huyện Thanh Ba, Phú Thọ), hiện mỗi năm Hợp tác xã duy trì đàn gà lông màu dao động 50.000 - 100.000 con, việc thả gà quá sớm khi gà con nhỏ lợi bất cập hại, nhất là trong mùa mưa. Do gà thân nhiệt cao, gặp phải trời mưa lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột nên dễ bị bệnh. Hơn nữa, việc thả gà ra ngoài vườn không kiểm soát được chất thải, lâu dần chất thải cộng hưởng vào đất, gây ô nhiễm rất khó xử lý. Hai năm qua, hợp tác xã nuôi gà thả vườn theo hình thức nuôi nhốt có kiểm soát đã gặt hái thành công.
Nhìn chung, nhờ được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về dinh dưỡng, vệ sinh, phòng dịch... gà thương phẩm chăn nuôi an toàn sinh học cho sản lượng tăng, chất lượng thịt tốt, giá bán cũng cao hơn so gà nuôi thông thường. Công tác vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thực hiện đúng quy trình và được kiểm soát chặt chẽ đã hạn chế tối đa ô nhiễm tại khu vực nuôi và vùng phụ cận, góp phần bảo vệ môi trường.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn