Gà ta là giống gà dễ nuôi, ít bệnh tật nên từ lâu nó đã được người dân nuôi phổ biến ở các vùng nông thôn. Nuôi giống gà này chủ yếu là thả vườn vì tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như ngô, rau, thóc, giun, cỏ...vừa tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà thịt lại săn chắc thơm ngon. Với giống gà này, nếu mở rộng mô hình chăn nuôi sẽ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Bà Nguyễn Thị Thơm - chủ một trang trại gà ta tại Nam Định cho biết: "Trước kia, nhà tôi lúc nào cũng nuôi gà để ăn còn thừa mới đem đi bán, giá loại gà này khá cao dao động từ 120.000đông/kg đến 160.000 đồng/kg mà kể cả có bán trứng giá cũng cao nên tôi đã cho gà ấp nở nhiều. Đến nay trang trại của tôi có khoảng hơn 1000 con. Việc đầu tư chuồng trại lại không cao, chủ yếu dùng các vật liệu như lưới thép B40, gạch chỉ xây chân tường, tre, gỗ tạp quanh vườn, bạt, nhưng vẫn đảm bảo giữ nhiệt độ thích hợp cho đàn gà. Vì thả tự do nên không tốn công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là cám, lúa, bắp, rau xanh".
Tuy nhiên để có giống gà tốt, tỷ lệ ấp nở cao, quan trọng nhất là kỹ thuật chọn và nhân giống gà. Trại giống gà Thu Hà chia sẻ kinh nghiệm khi chọn giống gà, nên chọn những con chân vàng, da vàng, có màu lông bóng mượt, mắt sáng, nhanh nhẹn khỏe mạnh, chân to, không hở rốn. Gà ta khi trưởng thành cho trọng lượng đạt từ 1,5 – 1,8kg phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Để việc nhân giống hiệu quả, quan trọng nhất là chọn được gà trống khỏe mạnh. Gà trống thành thục về tính sớm hơn gà mái. Gà trống bắt đầu đạp mái từ 21-22 tuần tuổi. Tỷ lệ ghép trống/mái thường từ 1/8 đến 1/9. Cần quan sát kỹ những con gà trống, loại bỏ ngay những con ngả màu, yếu, đặc biệt những con gà trống hay đậu trên nóc ổ đẻ hoặc vào nằm trong ổ đẻ, vì những con trống nhút nhát này không đạp mái chỉ gây cản trở và có thể làm bẩn, vỡ trứng trong ổ.
Ổ đẻ phải được phân bổ đều trong chuồng nuôi. Tốt nhất đặt giữa chuồng để khoảng cách mỗi gà tới ổ đẻ đều là khoảng 5m. Nên dùng phoi bào khô sạch để lót ổ đẻ. Số lượng ổ đẻ đủ cho gà đẻ tránh gà chen lấn làm vỡ trứng. Cửa vào ổ đẻ quay về phía có bóng râm để tạo sự hấp dẫn gà mái vào đẻ, không đẻ ra nền.
Trứng giống cần được bảo quản ở phòng mát 13-18 độ C, độ ẩm 75-80%. Sự phát triển của phôi bắt đầu từ 24 độ C và tỷ lệ nở của trứng ấp bắt đầu giảm sau 5 ngày và giảm nhiều sau 7 ngày bảo quản, do vậy phải bảo quản trứng ở phòng mát như trên và không quá 7 ngày. Nhiệt độ thích hợp để trứng nở hiệu quả khoảng từ 35 đền 37 độ C.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, để phòng chống bệnh tật cho gà, chuồng trại phải luôn được đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh. Khu vục xung quanh rìa phải dọn dẹp phát quang bụi rậm, không được để chuồng bị ướt, ẩm mốc hoặc đọng nước. Sử dụng chất sát trùng trong khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Định kỳ xới đảo, bổ sung chất độn chuồng để đảm bảo độ dày cần thiết và làm cho chất độn chuồng luôn khô, tơi xốp. Máng ăn, máng uống hàng ngày phải vệ sinh và chùi rửa sạch sẽ.
Tác giả bài viết: Minh Châu
Nguồn tin: vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn