Thanh Tú chăm sóc lợn nái mẹ mới sinh tại trang trại của Công ty THNN MTV Conti Việt Nam ở Sài Đồng, quận Long Biên (Hà Nội).
Chăn nuôi lợn nái sinh sản đang được nhiều hộ chăn nuôi quan tâm và phát triển để chủ động được con giống và mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Song, công việc trên sẽ khó khăn hơn so với nuôi lợn thịt, đặc biệt là việc chăm sóc lợn nái mới sinh luôn đòi hỏi người chăn nuôi phải học hỏi kỹ thuật cũng như đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tế thì công việc này mới mang lại hiệu quả.
Đó là chia sẻ của Nguyễn Thanh Tú - cô gái 24 tuổi được nhiều người biết đến thời gian gần đây là một "hot girl" 9X Hà Giang có biệt tài thiến lợn nhan như máy.
Thanh Tú cho biết, sau khi sinh lợn nái thường bỏ ăn hoặc ăn rất ít. Để khắc phục được điều này, bà con nên cho lợn nái ăn cháo tinh bột gạo, bắp…(đối với lợn nuôi nông hộ). Đối với các trang trại nuôi quy mô lớn có thể truyền nước, bà con chú ý cho thêm thuốc bổ Cantosan vào nước truyền để cung cấp năng lượng cho lợn nái nhanh hồi phục.
Theo Thanh Tú, bà con chú ý trước khi lợn nái đẻ 5 ngày phải giảm cám (thức ăn) nhằm tránh tình trạng lợn ăn nhiều, lợn con sinh to dẫn đến lợn nái khó đẻ. “Bà con lưu ý khi lợn nái mới sinh cần điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Ví như, lượng cám bà con có thể điều chỉnh tăng từ từ khoảng 5 lạng/ngày (để tránh lợn bị lòi dom và một số vấn đề khác) lượng thức ăn trung bình trên nái là 6kg/ngày” - “hot girl” 9x Hà Giang cho hay.
Thanh Tú cho biết thêm, sau khi lợn nái mới sinh cần quan sát kỹ sự thay đổi vóc dáng con nái trong quá trình nuôi con. “Nếu lợn nái mập nuôi ít con có thể giảm cám, ngược lại nếu lợn nái gầy nuôi nhiều con thì cần điều chỉnh tăng cám lên (nếu lợn không ăn hết có thể chia ra nhiều bữa). Thêm nữa là trong quá trình chăm sóc, cho lợn nái ăn nên trộn kháng sinh vào thức ăn nhằm giúp cho nái có sức đề kháng, phòng bệnh tốt” - Thanh Tú tiết lộ.
Thanh Tú cho biết: “Việc chăm sóc lợn nái, đặc biệt là lợn nái mới sinh rất quan trọng, quyết định rất nhiều đến việc chủ động con giống và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi của các trang trại, nên bà con cần đặc biệt lưu ý để có hiệu quả chăn nuôi đạt được cao nhất có thể”.
Để tránh rủi ro, Thanh Tú cho rằng: “Sau khi lợn nái đẻ, các chủ trang trại cần theo dõi nhiệt độ của lợn, có một số con bị sốt sữa sau khi sinh gây ra hiện tượng cắn con, nếu không lưu ý và có phương pháp ngăn chặn kịp thời sẽ dễ gặp rủi ro lớn”.
Về điều trị thú y cho lợn nái mới sinh, Thanh Tú cho hay, sau khi đẻ, lợn nái phải được điều trị chống viêm. Bà con nên dùng thuốc kháng sinh như Amoc Jiech, Vetsimoxin, Shotapen + Hotamoc + Oxyteta, cùng với đó, bà con nên tiêm thêm thuốc Oxytoxin nhằm giúp co bé tử cung đẩy dịch ngoài và giúp kích thích sữa cho nái. Liều dùng như sau, kháng sinh tiêm 3 mũi/con/ngày. Cách ngày nếu viêm có thể tiêm mũi thứ 4, 5. Còn với thuốc Oxytoxin bà con phải tiêm liên tục 3 ngày sau khi lợn đẻ, (lúc đẻ thì nên tiêm lúc ra con thứ 3). Tiêm liên tục trong 3 ngày. Nếu còn ra dịch viêm thì tiêm tiếp (có thể tiêm thêm Hadrot để mở cửa tử cung).
Đối với nhiệt độ chuồng nái mới sinh, Thanh Tú lưu ý bà con nên để nhiệt độ từ 22 – 24 độ C (tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường mà điều chỉnh cho phù hợp). Riêng nhiệt độ ô úm dành cho lợn sơ sinh phải đạt từ 36 – 38 độ C (duy trì trong tuần đầu khi sinh).
Là chủ một trang trại nuôi lợn nái quy mô lớn ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đông ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng tư vấn: “Thời kỳ mới sinh lợn nái cần lượng nước rất lớn để tiết sữa nuôi con. Trung bình lợn nái và đàn lợn con cần 35 – 50 lít nước/ngày tuỳ theo điều kiện nhiệt độ và thời tiết. Cần cung cấp đủ nước sạch cho đàn lợn uống. Lượng sữa lợn nái tiết ra ngay sau khi đẻ sẽ tăng dần cho đến ngày thứ 20 – 25 thì bắt đầu giảm dần. Cần cho lợn mẹ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có thể tiết nhiều sữa nuôi con và lợn nái ít bị hao mòn. Lợn nái có thể trạng vừa phải sẽ tiết sữa cao, lợn nái quá béo sẽ tiết sữa kém”. Cũng theo ông Đông, các chủ trang trại chú ý, sau khi con lợn con cuối cùng được nái mẹ sinh ra, bà con nên tiêm cho lợn mẹ 1 mũi Oxytoxin để tống hết nhau thai và sản dịch ra ngoài, để sạch tử cung tránh các bệnh như sót nhau, nhiễm trùng đường sinh dục cái. Sau đó thu nhặt toàn bộ nhau thai sau khi ra nhau, tránh để lợn mẹ ăn nhau dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Tiếp đến tiêm cho lợn mẹ 3 mũi kháng sinh chống viêm có tác dụng kéo dài. Một mũi sau khi sinh tầm 6-8h và 2 mũi sau cách mũi 1 và cách nhau 24h. “Thông thường người ta vẫn chọn kháng sinh Amoxicilin vì nó rất an toàn cho lợn mẹ. Bà con chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục lợn nái mẹ bằng nước sinh lý hoặc thuốc tím. Cùng với đó là vệ sinh bầu vú và vùng mông phòng mầm bệnh” – ông Đông cho hay. |
Tác giả bài viết: Hải Đăng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn