Ứng dụng biện pháp sinh học, nuôi ong ký sinh Asecodes hispinarum để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa ở các địa phương thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao, khống chế được sự phát triển của loài dịch hại này, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm thúc đẩy ứng dụng biện pháp sinh học trên diện rộng nhằm ngăn chặn hiệu quả bọ cánh cứng hại dừa đang lây lan gây hại nặng, bảo vệ sản xuất dừa an toàn và bền vững, vừa qua Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ong ký sinh trên qui mô 3ha dừa đang cho trái từ 5 – 10 năm tuổi cho 3 hộ nông dân ở xã Chánh Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Qua lớp tập huấn, người sản xuất dừa được nâng cao kiến thức và kỹ năng về quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng biện pháp sinh học, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, được bảo vệ sức khỏe, giảm mối nguy do tiếp xúc với thuốc BVTV, môi trường sống được cải thiện.Kỹ thuật nhân nuôi ong ký sinh phòng trừ bọ dừa
1. Chuẩn bị thiết bị và dụng cụ nhân nuôi:
- Phòng nhân nuôi có lắp điều hòa để ổn định nhiệt độ.
- Hộp nhựa, ống nghiệm, vải thô, bông gòn, cọ nhỏ, kéo, mật ong.
2. Chuẩn bị ký chủ:
Ong ký sinh là loài chuyên tính chỉ ký sinh ấu trùng bọ dừa. Chọn ấu trùng bọ dừa tuổi 4 cho ký sinh.
3. Chuẩn bị ong ký sinh:
Xác bọ dừa có chứa ong ký sinh (mummy) cho vào ống nghiệm được bịt kín bằng nút bông gòn. Khi thấy ong vũ hóa thoát ra khỏi mummy thì mở nút bông gòn cho ong tiếp xúc với ấu trùng bọ dừa đã chuẩn bị sẵn.
4. Tiếp xúc giữa ký sinh và ký chủ:
- Hộp nhựa dùng nhân nuôi được khoét lỗ ở mặt nắp nhằm tạo môi trường thông thoáng. Lỗ khoét được dán kín bằng vải để ong không bay ra ngoài sau khi vũ hóa.
- Cho ấu trùng bọ dừa tuổi 4 tiếp xúc với mummy với tỷ lệ 100:10, dùng lá dừa non làm thức ăn cho bọ dừa, tiếp tục thay thức ăn 2 ngày/lần cho đến khi cơ thể bọ dừa chuyển sang màu đen thì không cần thay thức ăn nữa. Trên thành hộp dán bông gòn tẩm mật ong pha loãng hoặc nước đường 10% làm thức ăn bổ sung cho ong ký sinh.
- Quan sát sau khi ký sinh 4-5 ngày, những bọ dừa bị ký sinh sẽ có màu nâu nhạt, sau đó khoảng 7 ngày chúng chuyển màu đen. Trong thời gian này, nếu mổ bên trong cơ thể bọ dừa sẽ thấy những con ong non màu trắng trong (giống như dòi), kích thước khoảng 0,7-0,8 mm. Đây là giai đoạn ong bắt đầu tiêu thụ thức ăn trong cơ thể bọ dừa.
- Nhiệt độ trong phòng nuôi thích hợp vào khoảng 28oC. Trong trường hợp thời tiết quá nóng bức, cho dù tỷ lệ ký sinh cao nhưng ong không vũ hóa ra ngoài được và tự chết trong cơ thể bọ dừa.
- Khoảng 16-17 ngày sau khi ký sinh thì phóng thích ong ra ngoài thiên nhiên. Có thể thả ong khi chúng thoát ra khỏi xác bọ dừa hoặc thả lúc ong còn nằm bên trong. Tuy nhiên, nên thả lúc ong còn nằm trong xác bọ dừa vì giai đoạn này dễ mang đi xa.
Một số lưu ý:
Quy trình nhân nuôi ong ký sinh bọ dừa tương đối đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình nhân nuôi cần chú ý một số vấn đề sau:
- Nhiệt độ môi trường nhân nuôi là yếu tố quan trọng vì ong ký sinh rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Tốt nhất nên duy trì nhiệt độ ở 28oC. Trường hợp nhân nuôi tại nông hộ không có điều hòa nên đặt hộp nhựa nhân nuôi tại nơi thoáng mát, tránh kiến tấn công kén ong.
- Ong ký sinh có thể ký sinh trên ấu trùng bọ dừa tuổi 2, 3 và 4 nhưng chỉ nên chọn những ấu trùng tuổi 4 cho ký sinh là tốt nhất vì chúng có kích thước lớn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho ong phát triển.
- Cần bổ sung đầy đủ thức ăn cho ong ký sinh (mật ong, nước đường). Nếu có thức ăn đầy đủ ong có thể sống từ 5-7 ngày sau khi vũ hóa.
- Khả năng sinh sản của ong chỉ tập trung trong những ngày đầu tiên sau khi vũ hóa, đặc biệt là ngày thứ nhất và giảm dần về sau. Vì vậy cần phải cho ong ký sinh tiếp xúc với ấu trùng bọ dừa ngay sau vũ hóa.
Theo Mai Trân/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn