Hoa Hồng từ xưa đến nay vẫn là loài hoa được yêu thích nhất không chỉ bởi hình dáng sang trọng mà còn có hương thơm và nở hoa nhiều lần trong năm. Với vẻ đẹp đầy sức hút của mình nên hoa Hồng được nhiều người lựa chọn trồng tại nhà. Dưới đây là kỹ thuật trồng cây hoa Hồng trong chậu tại nhà cực đơn giản cho những ai yêu loài hoa này tham khảo.
Điều kiện ánh sáng
Bạn cần chú ý quan sát lựa chọn hướng ánh sáng để đặt vị trí của chậu cây hay trồng cây, cần phải lựa chọn địa điểm là nơi có ánh nắng mặt trời chiếu buổi sáng hay nắng chiếu xuyên, tránh ánh nắng gay gắt và những nơi thiếu sáng. Nếu thiếu ánh sáng mặt trời cây hoa Hồng không đủ điều kiện ra hoa, cây dễ mắc bênh, chất lượng hoa xấu, kém năng suất.
Lựa chọn chậu
Trồng cây hoa Hồng cần lựa chọn chậu cao cỡ 30 cm, rộng 40 cm. Nếu là chậu men, chọn chậu cỡ số 4. Nếu đóng hộc bằng gỗ hoặc trồng trực tiếp xuống đất là tốt nhất. Khi đã lựa chọn được chậu trồng rồi nên đục to ở dưới đáy để tránh úng rễ. Chậu cần kê cao hơn mặt đất một chút.
Kỹ thuật trồng cây hoa Hồng trong chậu đúng cách trước hết cần phải chọn đất tơi xốp, giá thể có độ thoát nước tốt không để nước tưới bị ứ đọng làm hư bộ rễ.
Sau khi đã lựa chọn được chậu và đất rồi bước tiếp theo cần làm đó là trộn các thành phần với nhau như: 33% tro trấu ngâm rửa hết mặn; 33% phân chuồng thật hoai, phơi khô, có thể dùng phân rơm, lá cây mục; tốt nhất là phân bò; 1% phân NPK 30-10-10; 33% đất mùn hoặc đất phù sa. Tất cả được trộn đều rồi đổ vào chậu khoảng 2/3.
Để cho chậu hoa có độ thông thoáng nước, dưới đáy lót một ít sỏi nhỏ rồi tưới một lon nước sau đó trồng cây hoa Hồng vào giữa và thêm đất 8/10 độ cao của chậu. Sau khi trồng cây hoa Hồng, phải cắm cây cột chặt cây hoa vào, tránh cho cây bị lay xong cần đem phơi nắng dần dần, cuối cùng đem phơi ra ánh sáng 100%.
Vì cây hoa Hồng ưa ẩm nên mỗi ngày phải tưới nước 2 lần, sáng sớm và chiều mát. Không tưới lúc tối hoặc lúc trưa nắng vì tưới ban đêm, nước thường đọng trên lá cây dễ bị nấm bệnh. Chúng ta nên tưới nước cho cây hoa Hồng bằng vòi phun nhẹ tưới đều. Nếu vào các ngày nắng gắt nên tưới thêm cho cây không bị héo.
Sau 10 ngày, pha phân NPK hay DAP nông nghiệp tỷ lệ 1 muỗng cà phê/4 lít nước, tưới vào lúc sáng hoặc chiều mát, tưới lên lá, thân, gốc… sau 3 tháng, nên xới nhẹ gốc 1 lần vì rễ sẽ đâm ngược lên trên, bón thêm phân chuồng hoai trên mặt. Có thể bón phân bánh dầu ở dưới đáy chậu, khi tưới nước bánh dầu sẽ tơi ra, cây hồng trổ hoa thật to, thật đẹp.
Nếu muốn hoa Hồng có màu sắc đặc trưng đậm đà ta nên bón thêm phân kali (phân muối ớt) lúc nụ hoa vừa lú ra. Lúc cây ra hoa, tuyệt đối không tưới phân, nước lên cánh hoa.
Phòng trừ sâu bệnh hại hoa Hồng
Trồng cây hoa Hồng trong chậu cần phải chú ý tới các loại nấm cây. Hiện tượng này phát triển cực nhanh khiến cây bị chết. Ngoài ra nhện đỏ, nhện trắng , bọ trĩ, sâu ăn là, ốc sên... cũng là những kẻ thù vô cùng nguy hiểm, chúng ta có thể trực tiếp quan sát được bằng mắt thường.
Trường hợp xuất hiện các chấm trắng gần ngọn hay dưới mặt lá đó là rệp sáp, dùng tay ngắt bỏ lá bị bám hay tiêu diệt các đốm trắng. Nếu diện tích trồng nhiều cần tư vấn nơi bán thuốc BVTV chọn loại thuốc phù hợp không độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Cắt hoa Hồng vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát vì thời gian này cây còn nhiều nhựa, nhiều nước nên hoa lâu tàn, lâu héo. Trước khi cắt nên tưới nước nhiều hơn mức bình thường để cây dự trữ một lượng nước cho hoa (vì sau khi cắt hoa Hồng sẽ bốc hơi mất nước).
Chú ý, sau khi cắt xong phải cắm cây hoa vào nước sạch, dấu cắt phải xéo để nước dễ thấm vào thân cây. Trước khi cắm vào bình phải cắt thêm một lần nữa. Dùng dao sắc cắt hoặc dùng kéo cắt cây, không được làm dập. Lúc cắt phải đếm từ dưới chỗ bánh tẻ lên (chỗ đầu cành) chừa 3 lá. Cắt chừa lại 3 lá, nhánh Hồng còn lại sẽ ra 3 chồi mới.
Tỉa bớt 1 nhánh xấu, còn lại 2 nhánh khỏe sau này sẽ cho 2 hoa rất to và đẹp. Cũng cần tỉa luôn những nhánh xấu, hư… sau 1 tháng hoặc 1 tháng rưỡi cây hoa Hồng lại tiếp tục cho ra hoa.
Theo An Dương /vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn