Hiện lúa chiêm xuân ở một số địa phương miền Bắc trong giai đoạn từ đứng cái đến ôm đòng, bà con tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số diện tích bị tốt lốp.
Trong điều kiện thuận lợi, ruộng lúa được bón phân cân đối và đủ dinh dưỡng sẽ sớm đẻ nhánh và đẻ tập trung, khóm to.
Khi bước vào thời kỳ đứng cái có biểu hiện cây lúa khỏe mạnh (không bị tốt lốp), lá chuyển màu hơi hanh vàng, nhọn lá, khóm lúa gọn gàng và đứng ở tư thế như hình cái rọ cá rô dựng ngược; các bệnh về nấm và vi khuẩn ít khi phát sinh phá hại.
Sau này, cùng với yếu tố thời tiết thuận lợi và công tác chăm sóc tốt, lúa sẽ trỗ thoát nhanh, nhanh chín và tỷ lệ hạt chắc cao.
Ngược lại, khi bước vào thời kỳ đứng cái lúa sẽ biểu hiện tốt lốp, các lá dài thượt và rối lá, khóm lúa không gọn gàng, lá và trục khóm có hình quả chuối đang bóc; lúa rất dễ nhiễm các bệnh về nấm và vi khuẩn. Sau này, lúa trỗ chín kéo dài, dễ bị sâu rầy và bệnh lem lép hạt, giảm năng suất và chất lượng thu hoạch .
Trong số diện tích bị tốt lốp này, thường là các giống mới và gieo cấy ở trà xuân muộn như NB01, TBR225, BC15, Nàng Xuân.
Nguyên nhân do ở thời kỳ mạ và sau cấy gặp thời tiết diễn biến khắc nghiệt làm lúa chậm sinh trưởng, phát triển hoặc phải gieo cấy lại nên bà con đã khắc phục bằng cách tăng cường bón các loại phân với mọi hình thức.
Về sau thời tiết đã bớt khắc nghiệt, có mưa rào xen kẽ cộng với nguồn dinh dưỡng tiềm tàng đã làm cho lúa thừa dưỡng chất, lượng đạm tự do trong cây cao. Lúa chậm thành thục (trẻ lâu), nhiều bà con còn lo là lúa đực.
Khắc phục:
- Nắm bắt những đặc trưng của ruộng bị tốt lốp và tìm rõ nguyên nhân. Từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả.
- Bổ sẵn lỗ để tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa rào bất thường.
- Với chân ruộng chủ động về tưới tiêu, nên thực hiện luân phiên 2 lần liên tục giữa tháo cạn nước với duy trì mực nước trong ruộng từ 3 - 5 cm theo chu kỳ 4 - 5 ngày. Sau đó, tiếp tục duy trì mực nước 3 - 5 cm như hàng vụ để cây lúa khỏe trở lại, ôm đồng và trỗ chín tốt.
- Trong điều kiện không tiêu thoát được nước, nên rắc Kalyclorua của Nga, Canada hoặc Israel với lượng 3 kg/sào/lần, rắc vào chiều mát không mưa; rắc làm 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 2 - 3 ngày để không bị sốc.
- Không nên cắt xén lá vì rất nhiều nguồn bệnh trên đồng ruộng, nhất là gặp mưa to gió lớn, điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và gây hại.
- Ở thời kỳ trước và sau trỗ thoát 1 tuần, nên phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, vi khuẩn bằng 1 trong các thuốc Ychatot 900SP, Kasumin 2L; rầy nâu và bọ xít bằng 1 trong các loại thuốc Chatot 600WG, Đích bách trùng 90SP, Actara 25WG.
Chú ý: Pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc, phun 12 lít nước thuốc cho 5 - 7 thước, phun đều trên mặt lá đòng và bông lúa; phun vào chiều mát không mưa.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn