Xét nghiệm PCR
Trước khi mua con giống, người nuôi cần phải xét nghiệm tôm để tránh mua tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm do virus gây nên như đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), bệnh còi (BMV), Taura, hoại tử gan tụy...
Đánh giá cảm quan
Có thể quan sát bằng mắt thường một số đặc điểm của tôm giống khỏe mạnh như: màu sắc đàn tôm tươi sáng, đồng nhất, sắc tố thể hiện rõ; đầu thân cân đối, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, đuôi tôm xòe; thức ăn trong ruột đầy, liên tục; tôm giống có phản ứng nhạy với kích thích từ bên ngoài, linh hoạt, khỏe mạnh, phân bố đều trong bể nuôi; tôm bơi thân thẳng và có khuynh hướng bơi ngược dòng, bám vào thành bể tốt; Tôm không nhiễm vi khuẩn phát sáng khi quan sát trực tiếp ở bể trong bóng tối. Tôm phải có kích cỡ đồng đều (chênh lệch không vượt quá 5%); kích cỡ tôm sú giống thích hợp là PL15 (12 mm), tôm thẻ chân trắng tối thiểu là PL12 (9 - 11 mm).
Quan sát qua kính hiển vi
Mắt thường không thể quan sát hết được các đặc điểm trên cơ thể tôm. Vì vậy, cần quan sát thêm trên kính hiển vi để biết tôm có bị nhiễm ký sinh trùng, các sinh vật bám, nấm hay bị tổn thương các bộ phận như râu, chân, bụng…
Quan sát dưới kính hiển vi sẽ cho thấy tôm khỏe sẽ có các tế bào sắc tố ở phần bụng thường xuất hiện dưới dạng những đốm nhỏ hình sao; tôm có gan tụy to và có nhiều giọt mỡ; kiểm tra đốt bụng kế đuôi, nếu độ dày cơ thịt gấp 4 lần ruột thì tốt; ruột nên đầy thức ăn; tôm không có nấm, nguyên sinh động vật, ký sinh trùng bám ở chân, bụng, đuôi, vỏ và mang tôm; tôm có đầy đủ bộ phận phụ bộ. Tôm yếu là tôm có gan tụy nhỏ, có màu trắng, ít giọt mỡ, có các tế bào sắc tố lan rộng thành những vạch nối tiếp nhau phía dưới phần bụng.
Gây sốc
Sau khi đã quan sát, xem xét và lựa chọn được tôm giống chất lượng. Tuy nhiên, trước khi thả giống, cần tiến hành gây sốc để loại bỏ tôm yếu sau quá trình vận chuyển tôm giống về ao nuôi trước khi thả. Chọn tôm giống bằng cách gây sốc (stress test) là một phương pháp chọn tôm rất hiệu quả và đang được áp dụng rộng rãi cho các hộ nuôi tôm. Có thể gây sốc cho tôm bằng cách hạ đột ngột độ mặn hoặc bằng formol. Việc gây sốc cho tôm giúp đánh giá được khả năng chịu đựng và tình trạng sức khỏe của tôm giống. Từ đó, ngăn chặn được những rủi ro về bệnh tôm trong quá trình nuôi.
Gây sốc bằng formol: thả 100 - 200 con tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch formol nồng độ 100 ppm, theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là đạt yêu cầu.
Gây sốc bằng độ mặn: lấy 100 con tôm giống cho vào xô chứa 2 lít nước đang nuôi, sau đó đổ trực tiếp 3 lít nước ngọt vào để hạ độ mặn đột ngột. Sau 2 giờ kiểm tra, thấy tỷ lệ sống trên 95% là đạt yêu cầu.
>> Để chọn và nuôi tôm giống chất lượng người nuôi cần lưu ý: Chọn các cơ sở sản xuất giống uy tín, có giấy phép của cơ quan nhà nước; Thả tôm nên theo đúng lịch thời vụ của các cơ quan địa phương; Vận chuyển tôm vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh thả lúc trời mưa để tôm không bị sốc, gây hao hụt trong quá trình vận chuyển và thả nuôi. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn