Mặc dù, nghề nuôi thủy sản thời gian gần đây phát triển khá ổn định, trình độ kỹ thuật của người nuôi và mức độ thâm canh ngày càng cao nhưng do tốc độ mở rộng diện tích quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ, ý thức của người dân về sử dụng hóa chất, kháng sinh, quản lý vùng nuôi chưa tốt dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Để góp phần tăng hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản, Sở NN và PTNT đã phát động phong trào nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước, hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được ứng dụng trên các vùng nuôi trong toàn tỉnh. Tiêu biểu là 2 nhóm giải pháp kỹ thuật lọc nước và sử dụng công nghệ vi sinh để đảm bảo môi trường nuôi bền vững. Trong đó giải pháp kỹ thuật lọc nước tuần hoàn bằng công nghệ sinh học cho ao nuôi thủy sản tại Giao Xuân (Giao Thủy) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó nước biển tự nhiên được đưa vào ao chứa rồi chuyển qua khu ao lắng lọc ngoài trời (trong ao có chứa đất, cát, trồng cỏ, rong, tảo); sau đó đưa nước qua bể lọc ngầm dưới lòng đất, qua ngăn lọc thô, ngăn lọc tinh của ao lọc sinh học với giá thể lọc là xương san hô đã chết rồi mới đi vào ao nuôi. Giải pháp này có ưu điểm là vận hành đơn giản; tiết kiệm nguồn nước; phân hủy các chất hữu cơ như xác tảo chết, giảm độc tố trong môi trường nước ngưng khí NH3, H2S, NO2 và một số kim loại nặng khác như sắt, crôm, chì; nâng cao khả năng miễn dịch của động vật thủy sản nói chung và làm cho số lượng vi khuẩn có lợi tăng lên, kìm hãm, hạn chế mầm bệnh phát triển; ổn định độ pH của nước, ổn định màu nước gần như không có tảo phát triển, tăng oxy hòa tan trong nước giúp thủy sản phát triển mạnh. Giải pháp kỹ thuật này áp dụng được ở nhiều quy mô sản xuất, nhiều loại thủy sản và các môi trường nước ngọt, nước lợ, nước mặn, tiết kiệm được nguồn nước mặn lợ, vận hành khá đơn giản, giảm nhân công, tiết kiệm được chi phí xử lý nguồn nước.
Cách làm này đã tạo ra nguồn thủy sản sạch bệnh, giúp tăng giá trị thương mại, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, phù hợp với điều kiện môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Giải pháp sử dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng do tác giả Tống Thị Lương, Chi cục Thủy sản đề xuất đã được áp dụng thành công tại vùng nuôi tôm chân trắng của huyện Hải Hậu. Biofloc là các cụm kết dính bao gồm tảo cát, tảo biển lớn, động vật nguyên sinh, các hạt hữu cơ chết, vi khuẩn. Cộng đồng vi sinh trên Biofloc bao gồm các động vật phù du và giun tròn tạo ra chất lượng dinh dưỡng rất tốt cho tôm, cá nuôi. Công nghệ Biofloc đã thể hiện rất nhiều tính ưu việt so với các quy trình khác như: không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi và không gây tác động xấu đến môi trường ao nuôi cũng như môi trường xung quanh. Đặc biệt, việc tái sử dụng chất thải của tôm thành những hạt Biofloc làm thức ăn tự nhiên cho chúng nên lượng bùn đáy ao rất ít, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nước ao. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp do đó giảm được chi phí nuôi từ 10 đến 20% so với các quy trình nuôi khác. Việc sử dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm giải quyết được 2 vấn đề chính đó là loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng và sử dụng làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho đối tượng nuôi, ngoài ra hệ thống này còn giúp ngăn chặn được sự xâm nhập của mầm bệnh vào ao nuôi thông qua quá trình trao đổi nước.
Nhờ những ưu điểm vượt trội, phù hợp với điều kiện, tập quán nuôi trồng của người dân trên địa bàn, những giải pháp kỹ thuật này đã nhanh chóng được nhân rộng, góp phần chống ô nhiễm nguồn nước ao nuôi thủy sản, giảm thiểu những rủi ro trong quá trình nuôi. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả các giải pháp kỹ thuật trên, các hộ nuôi cần đầu tư hệ thống ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật; bảo đảm có hệ thống xử lý trước khi xả nước trong ao nuôi ra môi trường và tăng cường sử dụng công nghệ vi sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học để giảm bớt chất thải do phân, thức ăn dư thừa, dư lượng các loại hóa chất, kháng sinh trong ao tôm, từ đó, giảm lượng chất thải ra môi trường tự nhiên./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn