Việt Nam là một nước nông nghiệp, đa phần người dân sống ở nông thôn và với truyền thống "tự cung tự cấp" hay nuôi heo lấy lãi nên một thời gian dài, người dân ở các vùng nông thôn mỗi nhà mỗi năm nuôi một con heo để đến dịp Tết Nguyên đán giết lấy thịt phục vụ cho gia đình. Nuôi theo cách này nên thức ăn cho heo cũng chỉ là rau xanh, chuối và cám là chính, chứ không nuôi bằng các loại thức ăn chăn nuôi hay chất tăng trọng như hiện nay. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhà nào cũng có một con heo nuôi cả năm mới được mấy chục ký để xuất chuồng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, quá trình đô thị hóa, dòng người từ nông thôn đến các tỉnh, thành để làm công nhân, ở các làng quê chỉ có những người già và trẻ con nên ở một góc độ nào đó chăn nuôi heo ở quy mô nông hộ cũng giảm đi nhiều. Thay vào đó là những mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô hớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2000 cả nước có hơn 57.000 trang trại chăn nuôi nhưng đến năm 2013 chỉ còn hơn 23.700 trang trại, giảm 33.300 trang trại.
Chăn nuôi quy mô lớn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất - Ảnh: Quang Quyết
Dù đây là số những trang trại cả chăn nuôi gia cầm, gia súc nhưng sự sụt giảm về số lượng lớn như vậy chứng tỏ một điều không thể tránh khỏi khi nông nghiệp Việt Nam chuyển dần tư số lượng mà tập trung vào quy mô của trang trại. Tuy giảm số lượng trang trại nhưng tổng đàn heo lại tăng. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, năm 2000 cả nước có 20,2 triệu con heo nhưng đến năm 2014 tổng đàn heo hơn 26,7 triệu con, tăng 6,5 triệu con.
Nuôi theo trang trại lớn có lợi thế là giảm được giá thành đầu vào, tạo ra một lượng hàng hóa lớn để cung cấp cho thị trường. Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, hiện tỉnh này có tổng đàn heo 1,5 triệu con, lớn nhất cả nước nhưng trong đó, 70% là chăn nuôi theo quy mô trang trại. Tính đến nay Đồng Nai có 2.208 trang trại. Dự kiến đến 2020 tổng đàn heo của Đồng Nai sẽ chạm con số 2 triệu con và chăn nuôi quy mô trang trại vẫn là chính.
Theo ông Báu, nuôi heo theo quy mô lớn, nên các chủ trang trại thường đầu tư công nghệ để làm những trang trại chăn nuôi công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn từ khâu cho ăn, tiêm phòng đến khi xuất chuồng mà chỉ cần vài lao động trong một trang trại vài ngàn con heo. Điều này, khác hoàn toàn với quy mô nông hộ khi mỗi gia đình cần đến 1 nhân khẩu để chuẩn bị thức ăn hằng ngày cho một con heo.
Ông Trần Công Dân, chủ một trang trại nuôi heo lớn ở Đồng Nai cho biết, lợi thế của trang trại lớn khi tự chế biến thức ăn chăn nuôi và có thể mua nguyên liệu đầu vào với số lượng lớn, giá sỉ nên tính ra chi phí đầu vào rẻ hơn so với nuôi ở hộ gia đình hay trang trại nhỏ. "Thường thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% chi phí chăn nuôi nên nuôi ở quy mô vài ngàn con thường thấp hơn so với những trang trại nuôi vài trăm con heo. Đó là chưa kể chi phí thú y cũng giảm và tận dụng nhân công cũng tốt hơn", ông Dân nói.
Trong báo cáo tổng kết ngành, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, ngành chăn nuôi đã có những bước chuyển dịch rõ ràng, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nhờ giá thức ăn chăn nuôi giảm nên thúc đẩy ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi heo nói riêng có một năm thắng lợi. Tổng đàn heo, theo Bộ NN&PTNT là 27,7 triệu con, tăng gần 4% so với cùng kỳ.
Hiệu quả của mô hình chăn nuôi theo quy mô lớn là thường theo mô hình kín nên vấn đề kiểm soát dịch bệnh cũng tốt hơn. Theo ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, do Việt Nam là nước nhiệt đới, nắng nóng, mưa nhiều nên các ổ dịch luôn tồn tại và chờ lúc thời tiết bất lợi bùng phát mạnh và thường những địa phương nào năm trước có dịch thì năm sau dịch bệnh sẽ bùng phát trên gia súc, gia cầm.
Còn các trang trại, do đảm bảo vấn đề dịch bệnh nên ít khi bị dịch bùng phát. Ngoài ra, do nuôi với số lượng lớn nên các chủ trang trại phải tiêm phòng và tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn, điều này khác hoàn toàn với chăn nuôi theo nông hộ.
>> Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: Quy mô chăn nuôi heo nông hộ với số đàn vài con trong mỗi gia đình sẽ không biến mất hoàn toàn mà vẫn có đất sống ở những địa phương miền núi khi hệ thống đường sá đi lại khó khăn và người dân sẽ phải tự nuôi heo để chủ động nguồn thịt hoặc như một cách để tăng thêm thu nhập gia đình. Còn những tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, các hộ chăn nuôi sẽ nhường cho trang trại lớn đó là điều không thể tránh khỏi.
Ngọc Hùng
http://nguoichannuoi.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn