Mô hình áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học tại thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ
Đó chính là “đòn bẩy” để ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ nhân rộng...
Theo ông Trần Văn Phúc, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Giám đốc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Bình Định, trong năm 2016 dự án đã xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học (ATSH) tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng; thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn).
Những vùng hưởng lợi được dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải và hệ thống điện phục vụ nuôi trồng thủy sản. Riêng các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ một phần chi phí về thức ăn, con giống, đồng thời được hướng dẫn quy trình cải tạo ao nuôi, cách xử lý nước, mật độ con giống tôm nuôi xen canh, quản lý dịch bệnh, cách ghi chép nhật ký nuôi tôm.
“Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật bài bản nên người dân tham gia dự án thực hiện nghiêm túc quy trình dưới sự kiểm tra, giám sát của ban quản lý vùng nuôi tại các địa phương. Nhờ đó, các mô hình nuôi tôm xen cua, cá ATSH tại các địa phương đều đạt hiệu quả cao”, ông Phúc cho hay.
Ông Đặng Văn Ty ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng đạt kết quả mỹ mãn khi áp dụng quy trình nuôi tôm xen cá ATSH. Năm 2016, trên diện tích 4.000m2 ông Ty thả nuôi tôm và cá giống, thu nhập trên 233 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. “Quy trình nuôi tôm xen cá ATSH dễ áp dụng mà mang lại hiệu quả cao”, ông Ty cho biết.
Tương tự, ông Đặng Minh Đồng, cũng ở thôn Đông Điền, phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm với diện tích 8.000m2, tham gia mô hình vào năm 2016. Trước đây, tôi sử dụng cả 2 ao để nuôi tôm sú, nhưng không hiệu quả. Từ khi tham gia mô hình, được hướng dẫn cách nuôi ATSH, tôi chỉ sử dụng 1 ao có diện tích 5.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng, mật độ 30 con/m2 và 1.000 cá rô phi đơn tính; ao còn lại sử dụng để làm ao lắng. Trong năm đó sản lượng tôm thu được khoảng 1,4 tấn và 1 tạ cá, thu nhập trên 150 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm trước”.
Theo Ban Quản lý dự án CRSD Bình Định, khi triển khai mô hình thì gặp ngay thời tiết bất thuận, nắng nóng kéo dài, nhưng khi ao nuôi được đầu tư cải tạo tốt, chọn giống và thả tôm, cá, cua với mật độ phù hợp; xử lý nguồn nước và phòng bệnh kịp thời nên đã khắc phục được những yếu tố bất lợi từ thời tiết và “né” được dịch bệnh phát sinh. Nhờ đó, các hộ tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm sú xen cua, cá ATSH tại các xã Phước Thắng, Phước Sơn và xã Hoài Mỹ đều đạt kết quả cao.
Ví như tại huyện Tuy Phước, những năm trước đây, môi trường nước tại thôn Đông Điền (xã Phước Thắng) và Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn) đều bị ô nhiễm, dịch bệnh tôm nuôi thường xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm. Hiện nay, tình trạng này đã được khắc phục khi bà con áp dụng quy trình nuôi tôm xen cá, cua ATSH.
“Thực tế cho thấy, 15 hộ dân ở thôn Đông Điền và 3 hộ dân ở thôn Vinh Quang 2 tham gia mô hình đều đạt hiệu quả cao. Tính cộng đồng, trách nhiệm của người dân được thể hiện rất rõ trong quá trình thực hiện mô hình”, ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước chia sẻ.
“Năm 2017, Bình Định tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm xen cua, cá ATSH tại các xã Phước Thắng, Phước Sơn và Hoài Mỹ. Đáng phấn khởi là có rất nhiều hộ dân đăng ký tham gia. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT các huyện phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố các ban quản lý vùng nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật vào thực tế, đồng thời tổ chức các hộ dân quanh vùng tham quan học tập để mô hình ngày càng nhân rộng”, ông Trần Văn Phúc.
Nguồn: Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn