Nghề nuôi cá bằng lồng mới được phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây. Với nhiều ưu điểm so với nuôi trong ao như nước thường xuyên được thay đổi nên có thể nuôi cá ở mật độ cao; môi trường nuôi cá sạch, không bị ô nhiễm bởi các chất thải của cá nên cá lớn nhanh; hao hụt ít, hạn chế được dịch hại; chăm sóc, quản lý, thu hoạch thuận lợi; năng suất cao …
Đặc biệt là do tận dụng môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, vì vậy hiện nay tại Việt Nam, nghề nuôi cá bằng lồng trên hồ chứa và sông đã phát triển rộng rãi từ miền Bắc tới miền Nam, riêng diện tích nuôi cá lồng bè tại các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2013 đã là 3.408 lồng, đạt sản lượng 5.689 tấn. Đây là một nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cao mà tiết kiệm được rất nhiều diện tích mặt nước.
Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều sông ngòi, hồ chứa đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá bằng lồng. Năm 2010, mới chỉ có 400 m3 lồng, nhưng đến năm 2013 là 3.000m3 và đến năm 2014 đạt 4.200 m3 (tăng lên 10 lần so với năm 2010), sản lượng nuôi cá lồng đạt 316 tấn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá bằng lồng trên sông, hồ chứa ở đây mới chỉ tập trung ở một số địa phương, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của tỉnh. Số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng địa phương, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung cung cấp cho thị trường toàn tỉnh. Phần lớn các hộ nuôi cá lồng mang tính tự phát, vẫn còn thiếu kỹ thuật, chưa chủ động được nguồn giống, yếu trong khâu phòng trị bệnh cho cá... Chính vì vậy hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, từ đó gây ra rủi ro về kinh tế cho người nuôi.
Bên cạnh những khó khăn ban đầu khi phát triển một nghề mới thì nuôi cá lồng bè đã mang lại những hiệu quả xã hội lớn cho địa phương như: cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho bà con nông dân ven sông, hồ lớn, giải quyết công ăn việc làm, giảm áp lực khai thác nguồn cá tự nhiên...
Để có thể phát triển nuôi cá bằng lồng, bè trên sông và hồ chứa ở Hà Tĩnh một cách bền vững, hiệu quả cao trong thời gian tới thì cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
- Các cấp, các nghành có liên quan cần tiến hành quy hoạch nuôi cá lồng bè trên các sông, hồ chứa lớn nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đảm bảo môi trường cho người sản xuất và môi trường sống của người dân trong vùng.
- Những năm tới, khuyến khích các hộ nuôi thủy sản phát triển mô hình nuôi cá lồng theo quy hoạch chung của tỉnh, tránh phát triển tự phát, phát triển nóng. Ðịa điểm nuôi cá phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến lưu thông dòng chảy, phương tiện giao thông đường thủy, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống và kiểm dịch cá giống nhập tỉnh. Khuyến khích người dân đưa vào nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá hồng mỹ, cá diêu hồng, cá chẽm, cá chim vây vàng, … nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đa dạng hóa đối tượng nuôi.
- Cán bộ chuyên ngành cần tìm cách liên kết thành chuỗi từ nuôi thủy sản đến thị trường tiêu thụ, giảm bớt khó khăn trong việc tìm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, giúp người nuôi yên tâm sản xuất.
- Tuyên truyền, nhân rộng những mô hình nuôi cá bằng lồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn tỉnh.
- Người nuôi cá bằng lồng hầu hết chưa được hướng dẫn, tham quan học tập, tư vấn về kỹ thuật thiết kế lồng nuôi mới nên trình độ kỹ thuật và công nghệ nuôi ở tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để người dân được tham quan học tập mô hình nuôi đạt hiệu quả cao, nâng cao kỹ thuật nuôi cá bằng lồng.
* Bà con nông dân khi nuôi cá lồng thì cần lưu ý các vấn đề sau:
- Điều kiện nuôi cá lồng là vùng nước tĩnh, lồng nuôi đặt ở nơi có môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm nước thải công nghiệp hoặc nước sinh hoạt khu dân cư, đặt ở những nơi thuận tiện, dễ vận chuyển vật tư, cá giống, thức ăn, đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và dòng chảy tự nhiên.
- Cần làm tốt việc chuẩn bị lồng bè, chọn giống, chăm sóc cá. Đặc biệt là kỹ thuật cho cá ăn và quản lý thức ăn dư thừa ở các giai đoạn cá phát triển.
- Bên cạnh đó, cần chọn mua giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, cá khỏe mạnh, cỡ cá đồng đều.
- Sử dụng thức ăn của những doanh nghiệp có uy tín, có đầy đủ các thành phần cơ bản, bao gồm các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, vitamin, lipid...
- Phải biết cách phòng, trị bệnh và xử lý nguồn nước bảo đảm an toàn cho đàn cá. Nuôi cá lồng là phải bảo vệ, giữ sạch được nguồn nước nuôi, chú trọng đến việc vệ sinh khu vực nuôi thường xuyên thì mới tránh được dịch bệnh xảy ra.
Từ những thành công bước đầu của một số hộ nuôi cá bằng lồng, hy vọng sẽ tiếp thêm quyết tâm và kinh nghiệm để nhiều hộ nuôi thủy sản trong tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện phù hợp mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản theo phương thức mới này vào những năm sau. Từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nuôi trồng thủy sản nơi đây, góp phần giúp ngành thủy sản từng bước hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị cao và bền vững./.
Hoàng Thị Thanh Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh