Phòng bệnh tổng hợp
Để quản lý môi trường người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa các nguồn nước thải, nền đáy không bị ô nhiễm, không đặt lồng sát đáy. Vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng lưu lượng dòng chảy. Định kỳ treo các túi vôi quanh lồng nuôi, nhất là khi xuất hiện bệnh. Loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi lồng nuôi. Về vấn đề kiểm soát tác nhân gây bệnh, người nuôi nên chú ý tránh các xây xát cơ học như vận chuyển, đánh bắt, chuyển lồng… và phòng tránh ký sinh trùng gây hại. Chọn tôm hùm giống chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu trữ tôm giống không quá 48 giờ từ khi khai thác ở biển đến lúc thả ương nuôi. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh, nhằm hạn chế lây lan.
Thức ăn tươi được bảo quản tốt, được sát trùng bằng thuốc tím trước khi cho ăn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ các cá thể yếu, vỏ lột xác và điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp từng thời điểm. Bổ sung Vitamin C liều 5 - 10 g/kg thức ăn, acid amin, khoáng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
Tôm hùm bị bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi - Ảnh: Tiến Dũng
Trị một số bệnh
Bệnh đỏ thân. Nguyên nhân gây bệnh là do nước và đáy khu vực lồng bè bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa nhiều, vệ sinh kém, gây nhiễm khuẩn Vibrio. Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng, chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành. Trị bệnh bằng cách tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline 0,5 - 2 g/m3 nước. Tắm trong 15 phút, liên tục 5 - 7 ngày. Hoặc trộn Docyxyline vào thức ăn được bao dầu với lượng 3 - 7 g/kg thức ăn trong 5 - 7 ngày.
Bệnh đen mang. Bệnh do nấm Fusarium gây ra khi lồng nuôi bẩn, môi trường nước bị ô nhiễm. Làm cho mang bị tổn thương chuyển thành màu đen và khi bệnh nặng toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm giai đoạn trưởng thành. Có thể tắm cho tôm bằng Formalin nồng độ 10 - 20 ml/m3 trong 5 - 10 phút, trong 2 - 4 ngày để trị bệnh. Lưu ý, tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở lồng khác.
Bệnh trắng râu. Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở tôm con, làm cho tôm chết hàng loạt. Nguyên nhân là do tôm bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp. Trị bệnh bằng việc tắm cho tôm bằng dung dịch Formalin nồng độ 15 - 25 ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút, liên tục 5 - 7 ngày. Đồng thời, treo các túi vôi giữa các lồng nuôi.
Ngoài ra, tôm hùm còn có thể mắc một số bệnh khác (bệnh sữa, bệnh to đầu, bệnh mềm vỏ, bệnh phồng mang, bệnh đóng hàu, sụn...). Bệnh chủ yếu phát sinh do môi trường ô nhiễm, tôm suy dinh dưỡng, kém ăn, khó lột xác. Những bệnh trên tỷ lệ xuất hiện không cao, tôm chết rải rác, không gây thiệt hại cho người nuôi; nếu biết ngăn ngừa, kiểm soát và thực hiện tốt khâu phòng bệnh tổng hợp thì sẽ tránh được các bệnh này.
>> Để trị bệnh có hiệu quả, trong quá trình điều trị cần bổ sung một số men vi sinh, vitamin, khoáng để tăng sức đề kháng cho tôm. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tình trạng sức khỏe thực tế tôm đang mắc bệnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn