Để phòng chống bệnh sữa trên tôm hùm nuôi, chỉ được nuôi tôm trong vùng quy hoạch của địa phương, cách xa các cửa sông để tránh nước ngọt từ sông đổ ra trong mùa mưa làm giảm độ mặn gây sốc hoặc có thể nước sông bị ô nhiễm, có các chất độc hại. Bên cạnh đó, cần đặt lồng nuôi tôm ở nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm) hoặc từ 4 - 8m (đối với nuôi lồng nổi). Khoảng cách giữa các lồng nuôi tôm trong cùng một bè phải đảm bảo tối thiểu 1m; khoảng cách giữa các bè nuôi tôm phải đảm bảo tối thiểu 50m.
Khi tôm mắc bệnh, chỉ điều trị tôm hùm bị bệnh nhẹ, khi dịch bệnh mới xuất hiện để hạn chế lây lan. Tùy điều kiện cụ thể để áp dụng các phác đồ điều trị bệnh cho tôm. Người nuôi có thể tham khảo phác đồ điều trị sau: Treo túi thuốc khử trùng, có thể sử dụng Chlorine Dioxide (thành phần chính là Natri Chlorite, NaClO2), mỗi lồng 2 túi, mỗi túi 10 viên (10g thuốc), 1 lần/ngày.
Dùng Doxycyclin 10% trộn thức ăn với lượng 7g (khoảng 2 muỗng cafe)/kg thức ăn (lựa chọn loại thức ăn tôm hùm ưa thích, kích cỡ thức ăn phù hợp với kích cỡ miệng tôm, sau khi trộn thuốc phải có thời gian để thuốc ngấm), áp dụng 1 lần/ngày và thực hiện trong 7 ngày liên tục.
Lượng thức ăn trộn thuốc nên sử dụng với lượng ít hơn bình thường để tôm sử dụng hết thức ăn, sau đó điều chỉnh tăng dần cho phù hợp. Bổ sung Premix (vitamin, axit amin, khoáng chất): trộn thức ăn trong toàn bộ quá trình điều trị. Thời gian điều trị khoảng 10 ngày, sau 10 ngày thì dừng thuốc hoàn toàn, nếu không khỏi chuyển sang phác đồ tiêm. Kỹ thuật trộn thức ăn, cho ăn theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý thú y hoặc Chi cục Thủy sản./.
Nông dân thị xã Sông Cầu đắng cay vớt tôm hùm nuôi bị chết. ảnh: Hùng Phiên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn