Keo lai, cây lâm nghiệp chủ đạo trong chương trình “5 triệu ha rừng”
Tuy mới xuất hiện nhưng đây là bệnh nguy hiểm nhất, gây thiệt lớn cho người trồng nếu không được phát hiện kịp thời và có những biện pháp quản lý bệnh hữu hiệu.
Để giúp người dân phát hiện và xử lý bệnh kịp thời, chúng tôi giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu về tác nhân gây bệnh, triệu chứng nhận biết và biện pháp quản lý bệnh chết héo cây keo của Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4.
Tác nhân và nguyên nhân gây bệnh: Bệnh chết héo cây keo do nấm Ceratocystis acaciivora thuộc họ Ophiostomataceae, bộ Ophiostomatales, lớp nấm túi Ascomycetes gây ra. Vào các tháng mùa mưa, do điều kiện nhiệt độ và ẩm độ môi trường cao là điều kiện thuận lợi cho nấm Ceratocystis acaciivora phát sinh, xâm nhiễm qua các vết thương cơ giới (vết chặt, tỉa cành do con người gây ra, vết rách trên lá do xây xước, các cành bị gãy do gió bão, vết cắn trên vỏ ở thân cây của côn trùng…) làm gỗ bị biến màu, các tế bào gỗ bị tổn thương.
Do nấm bệnh sinh trưởng, phát triển mạnh làm tắc nghẽn đường vận chuyển chất dinh dưỡng và nước từ dưới lên trên, đến khi bị tắc hoàn toàn dẫn đến cây bị héo. Bệnh phát triển mạnh và có xu hướng lây lan từ cây bệnh sang các cây khỏe trong tất cả các vùng trồng keo tai tượng, keo lai ở nhiều vùng sinh thái khác nhau của nước ta, đặc biệt là các vùng núi.
Triệu chứng nhận biết: Sau khi bị nấm tấn công, cây có biểu hiện lá héo rũ đột ngột từ ngọn xuống gốc. Sau một thời gian, lá khô rụng, trơ thân cành, toàn cây khô chết. Phần thân cây từ mặt đất rừng lên 50 -60cm hoặc hơn, từng điểm có biểu hiện vỏ cây bị thối và chuyển màu đen, nhưng lên cao thì không có biểu hiện gì. Khi đào rễ và gốc lên quan sát thấy thối rễ, thối gốc.
Thể quả của nấm gây bệnh có thể nhìn thấy ở vỏ cây nơi vị trí bị bệnh có màu nâu đen, dạng hình cầu, cổ nấm kéo dày, bào tử túi có hình mũ đặc trưng. Xẻ thân cây ra quan sát thấy nấm lan theo mạch gỗ lên trên, nấm lan đến đâu, gỗ biến màu đến đó. Nơi nấm tích tụ, phát triển mạnh, gỗ bị thối và biến màu.
Khi bị nấm gây bệnh xâm nhiễm, vỏ trong bị thối đen, vỏ ngoài khô, có vết nứt, có nhựa chảy ra ngoài. Dùng dao cắt vào vết nứt, hay chỗ nhựa gỗ có màu xanh đen, cắt ngang thân cây cũng có màu xanh đen. Cây bị nhiễm bệnh, lá có màu vàng. Giai đoạn cuối của bệnh, cây bị héo toàn bộ tán lá, gỗ bị biến màu và cây không có khả năng phục hồi.
Cây keo giống
Biện pháp quản lý:
- Chọn giống kháng bệnh: Dòng keo lá tràm có khả năng kháng tốt nhất với bệnh chết héo, bà con nên ưu tiên trồng trong khi 2 dòng keo lai và keo tai tượng mẫn cảm với bệnh.
- Đảm bảo tính sạch bệnh cho cây giống ngay trong vườn ươm; khai thác cành giâm sạch bệnh từ cây đầu dòng, xử lý hỗn hợp compost làm bầu bằng phân vi sinh tổng hợp (gồm vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn phân giải lân và vi khuẩn nấm đối kháng) để diệt nấm bệnh, đồng thời tăng khả năng kháng bệnh cho cây.
- Với những vùng đất có lượng mưa nhiều (>2.500mm/năm), cây keo thường bị bệnh nặng, nên trồng các loài cây khác hoặc dùng giống cây keo kháng bệnh (keo lá tràm).
- Khi chăm sóc, tránh gây tổn thương cho cây, không cắt tỉa cành vào mùa mưa. Không chăn thả trâu bò vào vùng trồng keo dưới 3 năm tuổi để hạn chế việc gây ra các vết thương cơ giới trên thân cây, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm gây hại và lây lan.
- Những vùng có nguy cơ bị bệnh cao hoặc những diện tích đang bị bệnh cần bón bổ sung nguyên tố vi lượng Bo và phân vi sinh tổng hợp bao gồm vi khuẩn nốt sần cố định đạm, vi sinh phân giải lân, vi khuẩn đối kháng với nấm gây bệnh.
- Tiêu hủy các cây bị bệnh nặng không còn khả năng phục hồi và xử lý vôi bột vùng gốc, rễ cây để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
CÔNG HÀO
Nông Nghiệp VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn