Địa điểm
Lồng nuôi vỗ phải được đặt ở nơi ít sóng gió, dòng chảy nhẹ 0,2 - 0,5 m/s, độ mặn 25 - 32‰, độ trong > 2 m. Kích thước lồng 3x6x3 (m) hoặc 10x10x10 (m), kích cỡ mắt lưới thích hợp là 2a=10 cm.
Nuôi vỗ cá bố mẹ
Tuyển chọn cá bố mẹ: Cần chọn cá trên 2 tuổi, tốt nhất trên 3 tuổi. Chọn những con cá bố mẹ khỏe mạnh, không dị tật, không bị bệnh, trọng lượng 8 - 10 kg/con, và kích cỡ trên 90 cm/con. Xác định cá đực và đánh dấu (bằng chíp điện tử). Nuôi vỗ với mật độ 5 - 6 kg cá/m3 lồng.
Nuôi vỗ cá bố mẹ: Chia làm 3 thời kỳ:
+ Nuôi duy trì: Thời gian nuôi vỗ từ tháng 6 - 9, thức ăn là cá tạp tươi, cho ăn bằng 3% trọng lượng thân.
+ Nuôi vỗ tích cực: Kéo dài từ tháng 10 - 12, lượng cho ăn bằng 5% trọng lượng thân, thức ăn bổ sung một số loại cá có chất lượng cao như mực, cá nục…
+ Nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 1 năm sau cho đến khi cá đẻ. Đây là thời kỳ rất quan trọng, giảm khẩu phần thức ăn xuống 2 - 2,5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, giai đoạn này cần bổ sung khoáng, các vitamin.
Đối với cá đực, cần bổ sung thêm 17a- Methyltestosterone vào khẩu phần ăn liều lượng 0,3 - 0,8 mg giúp tăng khả năng thành thục. Nếu nuôi tốt, tỷ lệ thành thục đạt đến 85%.
Chọn cá và cho đẻ
Chuẩn bị bể đẻ
Bể đẻ tốt nhất là hình tròn, thể tích 50 - 150 m3, chiều cao 2,5 m. Nước được cấp từ dưới đáy bể lên để chảy thành dòng xoáy. Mỗi bể lắp 6 - 10 vòi sục khí mạnh. Khi đã cho cá vào bể, luôn luôn giữ đầy nước bể và đặt giai hứng trứng. Hàng ngày thay 200 - 300% lượng nước trong bể.
Tiêu chuẩn chọn cá đẻ
+ Cá cái: Có biểu hiện bụng căng tròn đều, lỗ sinh dục to và ửng hồng. Dùng que thăm trứng, trứng rời nhau, hạt trứng căng, tròn đều.
+ Cá đực: Vuốt nhẹ gần lỗ sinh dục thấy có sẹ màu trắng đục như sữa chảy ra, tan nhanh trong nước là cá đực tốt, đã sẵn sàng tham gia sinh sản.
Tiêm kích dục tố: Cá thành thục được kích thích cho đẻ bằng 1 liều hoormon duy nhất là LRHa 20 µg/kg. Cá đực được tiêm với liều lượng bằng 1/2 cá cái.
Thu trứng, tách và ấp trứng
Thu trứng: Trứng vớt được phải chuyển ngay vào bể hoặc thùng đựng trứng đặt trong bóng tối và có sục khí.
Tách trứng: Đưa trứng cá vào nước có độ mặn 35 - 36‰, những trứng tốt sẽ trương nước, có kích thước giọt dầu lớn, đường kính trứng 1,2 - 1,4 mm và nổi lên mặt nước. Những trứng chìm và ở sâu trong tầng nước là trứng xấu, phải loại bỏ. Tách trứng từ 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ để loại bỏ hết trứng xấu và cho vào ấp.
Ấp trứng: Môi trường nước ấp trứng cần đảm bảo các điều kiện như độ pH từ 8 - 8,5; độ mặn 35 - 36‰; nhiệt độ nước 24 - 280C. Mật độ ấp 400 - 500 trứng/lít, bể ấp được sục khí nhẹ và liên tục trong suốt quá trình ấp. Cấp nước có độ mặn 30 - 32‰ liên tục vào bể, khi trứng nở điều chỉnh độ mặn 31 - 32‰. Thay nước hàng ngày 200 - 300%. Trứng nở sau 24 giờ đẻ với tỷ lệ nở trung bình 60%.
Ương ấu trùng
Có thể ương ấu trùng cá bớp trong bể xi măng, bể composite hay ao đất. Ao nuôi có diện tích 400 - 500 m2, sâu 1 - 1,2 m. Cần cải tạo kỹ và bón phân để gây màu và thức ăn tự nhiên trong ao nước khi thả ấu trùng ương. Nếu thức ăn tự nhiên kém thì phải bổ sung luân trùng. Mật độ ương trong ao là 1.500 - 2.000 con/m2. Sau 22 - 25 ngày ương, có thể cho ấu trùng ăn thức ăn nhân tạo bổ sung.
Đối với ương ấu trùng trong bể bán tuần hoàn hay kín, có thể tích 3 - 10 m3, màu tối. Mật độ ấu trùng trong bể ở các giai đoạn khác nhau như sau:
- Giai đoạn 1 - 10 ngày tuổi: 70 - 80 con/lít
- Giai đoạn 11 - 20 ngày tuổi: 20 - 30 con/lít
- Giai đoạn 21 - 30 ngày tuổi: dưới 10 con/lít.
Thức ăn cho ấu trùng ương cho bể bao gồm tảo (Chlorella, Isochrysis, Tetraselmis) với mật độ 40.000 - 60.000 tế bào/ml cho giai đoạn 3 - 8 ngày tuổi, luân trùng 7 - 10 cá thể/ml cho giai đoạn đầu đến 12 ngày tuổi và Artemia 2 - 5 cá thể/ml từ ngày 17 - 18. Luyện cho cá ăn thức ăn hỗn hợp hay thức ăn công nghiệp từ ngày 11. Khi cá đạt 22 ngày tuổi (2 - 3 cm/con) thì cho ăn chủ yếu thức ăn hỗn hợp hay công nghiệp.
Cần duy trì nước ương với độ mặn 28 - 30‰, nhiệt độ 24 - 300C và tốt nhất không thay đổi quá 10C trong 1 ngày đêm, pH 7,5 - 8,5. Luôn luôn giữ hàm lượng ôxy trong nước lớn hơn 6 mg/l. Hàng ngày tiến hành tháo rốn bể và xi phông đáy đưa xác cá chết và thức ăn thừa ra khỏi bể ương, vệ sinh trống lọc và vớt váng.
Ấu trùng mới nở dài 2,5 mm và chưa có sắc tố, một ngày tuổi dài 3 mm, trong suốt, dọc lưng có một mảnh màu xanh nhạt và điểm mắt màu đen, tích cực vận động trên mặt nước. Ngày thứ 10 đã có sự thay đổi lớn so với ấu trùng một ngày tuổi. Miệng, đầu, mắt đã phát triển hoàn chỉnh, vây ngực hiện rõ, chưa có vây bụng, cơ thể có màu nâu nhạt và dài khoảng 5 - 10 mm. Từ ngày tuổi 25, cá bắt đầu phân đàn nhanh, vì thế phải thường xuyên phân cỡ cá để tránh hiện tượng chúng ăn thịt lẫn nhau (Chú ý: Khi cá còn nhỏ dùng gáo múc cả cá và nước không dùng vợt để vớt, khi cá lớn 5 - 6 cm trở lên mới được dùng vợt để vớt). Sau 30 ngày tuổi cá đã giống với cá trưởng thành: Vây đuôi xòe rộng dạng nan quạt, xuất hiện hai dải sắc tố màu vàng nhạt hai bên thân chạy dọc cơ thể từ đầu đến cuối đuôi, cá dài 6 - 9 cm thì chuyển nuôi thương phẩm. Tỷ lệ sống giai đoạn ương 0 - 25 ngày tuổi khoảng 15 - 20% và 25 - 50 ngày tuổi là 40 - 50%.
>> Tại Việt Nam, cùng với một số loài cá khác như cá mú, cá hồng…, cá bớp là đối tượng có nhiều triển vọng đối với nghề nuôi lồng trên biển. Giá cá bớp tại thị trường nội địa khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn