Trên thị trường trong nước và thế giới, lúa thơm hay lúa đặc sản giá thường cao hơn lúa thường từ 2-3 lần và ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chọn.
Cách đây khá lâu, nhiều nước sản xuất lúa gạo đã phân khúc cho thị trường lúa thơm, quy hoạch diện tích, vùng trồng và nghiêm ngặt trong khâu chọn giống, chăm sóc và chế độ phân bón, cũng như xây dựng thương hiệu Quốc Gia. Do đó, thương hiệu lúa thơm của Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và gần đây là Campuchia... được thị trường thế giới biết đến. Ở Việt Nam, tuy sản xuất nhiều lúa gạo nhưng đa số là lúa thường và cũng chưa tập trung quan tâm xây dựng thương hiệu nên luôn bị động về giá cả, làm cho nông dân trồng lúa nhiều lúc phải lao đao. Những năm gần đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chú trọng sản xuất lúa thơm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi thế giới với giá khá cao, nông dân tăng thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, để trồng lúa thơm hay lúa đặc sản đạt kết quả, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trước hết bà con phải chọn giống và vùng đất canh tác, các giống lúa đặc sản có thể trồng được nhiều vùng. Tuy nhiên, để giữ được mùi thơm, ngon, phụ thuộc rất nhiều vào các chất dinh dưỡng có từ đất, từ nước và cả thời tiết, đồng thời bổ sung chế độ phân bón phù hợp. Theo nghiên cứu về bản chất của tính thơm và hàm lượng Amylose thì thấy tỷ lệ N-P-K và đặc biệt các nguyên tố vi lượng có ảnh hưởng đến đặc tính này. Nếu bà con bón nhiều đạm và bón trễ, bón ít Kali và Lân thì hạt gạo to nhưng tăng hàm lượng Amylose*(cứng cơm hơn) hàm lượng chất thơm bị giảm, các nguyên tố vi lượng như B, Zn có ảnh hưởng nhiều đến tính thơm. Giống lúa thơm Khao Dawk Mali dù được trồng rộng rãi ở Thái Lan nhưng lượng phân bón được sử dụng ít và cân đối, sản lượng bình quân khoảng 2 tấn/hecta nên luôn giữ được chất lượng và độ thơm, giá bán cao, người nông dân luôn có lợi nhuận. Ở Việt Nam, đang bị mâu thuẫn là vừa muốn có gạo thơm vừa muốn có năng suất cao nên sử dụng nhiều phân hoá học, lạm dụng phân Đạm nên chất lượng gạo giảm, mất mùi thơm. Để trồng lúa thơm, lúa đặc sản có lợi nhuận, bà con nông dân phải áp dụng đúng quy trình sản xuất lúa gạo theo VietGap. Trên thực tế ở ĐBSCL đã có nhiều mô hình trồng giống lúa Jasmine đúng kỹ thuật năng suất đạt gần 4 tấn/hecta có lợi nhuận cao hơn một giống cao sản đạt năng suất 7 tấn/hecta. Hiện tại, chính quyền nhiều địa phương đã có chủ trương giảm sản xuất gạo thường, tăng lúa đặc sản và lúa chất lượng cao, trên các cánh đồng lớn, “liên kết 4 nhà” một cách thực chất. Trên cơ sở đó, để xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây là hướng đi tất yếu để người nông dân có lợi nhuận bền vững. Theo Lê Quốc Phong//laodong.com.vn