Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - Nguyễn Quang Thọ, cây chè cho thu nhập ổn định với chu kỳ dài đến trên 20 năm, lại được Xí nghiệp Chè Tây Sơn bao tiêu sản phẩm nên người trồng rất an tâm. Vài năm trở lại đây, phong trào trồng chè công nghiệp ở Hương Sơn phát triển mạnh. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 405 ha chè công nghiệp, chủ yếu ở Sơn Kim 2 (293 ha); số còn lại ở các xã Sơn Tây, Sơn Tiến, Sơn Lâm. Chè trở thành cây mũi nhọn phát triển kinh tế, mang lại thu nhập khá cho hàng ngàn gia đình trên địa bàn.
Cây chè góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân ở Hương Sơn. |
Cùng Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn - Hoàng Thế Lộc tham quan rừng chè ngút ngàn màu xanh trải dài khắp triền đồi, triền bãi của đơn vị mới thấy được sức sống của loại cây này. Anh Lộc phấn khởi cho biết: Tổng đội hiện có 187 hộ trồng chè với tổng diện tích 140 ha, trong đó, 100 ha đã đưa vào khai thác. Mỗi ha được đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng, hộ trồng chè được hỗ trợ từ các chính sách khoảng 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người trồng còn được các kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật làm đất, chăm bón, phát sẻ và thu hoạch; cung ứng giống chất lượng cao, hỗ trợ vay vốn không lãi suất để mua phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt là được Tổng đội ký bao tiêu sản phẩm suốt cả chu kỳ (25 năm). Hiện tại, diện tích chè đưa vào khai thác còn mới, năng suất chưa đạt mức cao nhất, nhưng trung bình cũng đạt 15 tấn/ha/năm. Với giá chè tươi thu mua tại chỗ 6.800 đồng/kg, bình quân mỗi ha, người dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Theo kế hoạch, năm 2015, Tổng đội trồng mới 20 ha, nâng tổng diện tích lên 160 ha.
Là địa phương có truyền thống trồng chè công nghiệp của huyện Hương Sơn, Sơn Kim 2 hiện có khoảng 800 hộ tham gia, tổng diện tích trên 70 ha, chủ yếu ở thôn Làng Chè, Thượng Kim, Quyết Thắng và Hạ Vàng. Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 - Cao Kỷ Vỵ cho biết, vài năm gần đây, khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và chè được giá, người dân đã hăng hái tham gia trồng chè công nghiệp. Năm 2014, xã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển một phần đất nông nghiệp sang trồng chè và đã trồng mới 22 ha. Năm 2015, xã tiếp tục chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang trồng chè với kế hoạch trồng mới 20 ha và mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Nghề trồng chè giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động địa phương. Trung bình các hộ thu nhập khoảng 30-50 triệu đồng/năm; gần 30% trong số 800 hộ trồng chè thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.
Chị Đặng Thị Oanh (thôn Làng Chè) phấn khởi: “Gia đình tôi có 3 sào đất, trước đây sản xuất các loại cây lương thực như ngô, lạc, đậu, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Tháng 10/2012, tôi liên kết trồng chè với Công ty CP Chè Hà Tĩnh, được hỗ trợ vay vốn, cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hái… Đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa được 2 năm tuổi, nhưng 3 sào đã cho thu hoạch mỗi tháng 400 kg búp tươi. Theo quy trình, mỗi năm cho thu hoạch 9 tháng, với mỗi tháng trên 400 kg, gần 6.800 đồng/kg, ít nhất mỗi năm, gia đình thu khoảng 30 triệu đồng, gấp 10 lần so với sản xuất cây lương thực. Với diện tích này, chỉ cần một lao động trực tiếp sản xuất là có thể nuôi sống cả gia đình”. Được biết, chị Oanh cũng như nhiều gia đình ở đây đang có kế hoạch mở rộng diện tích chè để tăng thu nhập.
Thực hiện “Đề án phát triển chè công nghiệp 2012-2015, định hướng đến 2030”, Hương Sơn đang tận dụng quỹ đất và nguồn nhân lực dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển lĩnh vực sản xuất chè công nghiệp lên một bước mới, đưa cây chè từng bước trở thành cây trồng chủ lực có hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chính Thu
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn