Cao su là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở Hà Tĩnh. Vì thế, trong một thời gian ngắn diện tích cao su phát triển nhanh, năng suất chất lượng mủ đạt yêu cầu đặt ta, góp phần rất lớn giải quyết việc làm cho nông dân ở các huyện miền núi có thu nhập ổn định.
Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, địa phương có diện tích cao su lớn nhất tỉnh cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương phát triển cao su bằng 3 phương án của VGR đề ra, đó là phát triển cao su đại điền, cao su liên kết và cao su tiểu điền. Để thực hiện tốt các phương án đề ra, huyện đề nghị UBND tỉnh và VGR thống nhất tỷ lệ hưởng lợi giữa tập đoàn và người dân đối với cây cao su liên kết, cao su tiểu điền. Đồng thời, giải quyết các quyền lợi đất đai; giống cây cao su; hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con”.
Riêng 2 Cty cao su đóng trên địa bàn là Cty Cao su Hương Khê và Cty Cao su Hà Tĩnh thì đề xuất UBND tỉnh, các sở ban ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi giải quyết vấn đề đất đai, bàn giao mặt bằng để DN phát triển diện tích cao su đại điền theo đúng lộ trình đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Cao su là một trong những cây trồng kinh tế mũi nhọn đối với Hà Tĩnh, góp phần rất lớn trong vấn đề an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của VGR đối với tỉnh. Để tiếp tục phát triển bền vững, đề nghị tập đoàn nâng mức hưởng lợi cho người dân lên 13%".
Đến nay tỉnh Hà Tĩnh 10.800 ha cao su, trong đó Cty Cao su Hà Tĩnh 6.700 ha; Cty Cao su Hương Khê 4.100 ha). Năm 2012, diện tích đưa vào khai thác đạt 2.341 ha; sản lượng mủ 10 tháng đạt 2.200 tấn; chế biến 2.400 tấn; tiêu thụ 1.800 tấn; doanh thu ước đạt trên 130 tỷ đồng, lợi nhuận gần 30 tỷ, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.500 lao động có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. |
Ông Trần Ngọc Thuận, TGĐ Tập đoàn CNCSVN cho rằng: "Sự nghiệp phát triển cây cao su của tập đoàn không chỉ thực hiện trong nước mà còn vươn cả sang ở các nước bạn Lào, Campuchia. Riêng đối với Hà Tĩnh, chúng tôi đồng tình với việc tỉnh chọn cao su làm cây trồng chủ lực là hoàn toàn đúng đắn, bởi trong một thời gian ngắn, khi đưa cây cao su về trồng trên đất Hà Tĩnh đến nay thật sự cho hiệu quả thiết thực. Chúng tôi đánh giá cao về đầu tư trồng cao su tại Hà Tĩnh nói riêng, cả khu vực miền Trung nói chung".
Để nâng tổng diện tích cây cao su từ nay đến 2020 đạt trên 20.000 ha, việc liên doanh, liên kết giữa VGR với các hộ dân là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế tập đoàn đồng ý với đề nghị của tỉnh, nâng tỷ lệ hưởng lợi của người dân lên 13%.
“Có thể nói đây là tỉnh duy nhất của cả nước được tập đoàn quan tâm bởi nông dân Hà Tĩnh còn khó khăn, tỉnh còn nghèo. Vì thế nếu so sánh với các tỉnh như Tây Bắc hay miền Nam tỷ lệ người dân hưởng lợi chỉ được từ 10%”, ông Thuận chia sẻ.
Sau khi thống nhất tỷ lệ dân hưởng lợi 13%, chủ đầu tư (VGR) là 67%. Năm 2013 và những năm tiếp theo, Cty Cao su Hà Tĩnh sẽ có thêm quỹ đất liên kết với nông dân các huyện đạt trên 4.000 ha, Cty Cao su Hương Khê sẽ có trên 6.000 ha ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn