Một góc TP. Hà Tĩnh. Ảnh: Quốc Khánh
Công nghiệp nhỏ lẻ, thương mại tự phát
TP Hà Tĩnh từng là địa phương đi đầu trong việc thành lập các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cách đây hơn 10 năm, cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý được kỳ vọng là động lực thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp của một Thị xã nhỏ bé đang cố gắng chuyển mình đi lên thành phố. Đã có gần một chục nhà đầu tư bỏ tiền bỏ sức tham gia sản xuất nhưng rồi không một ai tạo dựng được cơ đồ. Những cái tên như nhà máy giấy Trường An, nhà máy sơn Pen-mắc…lần lượt đóng cửa, ngậm ngùi gác lại giấc mơ làm ăn lớn. Kỳ vọng về một sự kết nối giữa làng nghề chăn nệm Thạch Đồng với các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Bắc Quý đã không thành hiện thực. Trong khi đó cụm công nghiệp Nam Cầu Phủ cũng được đánh giá là có vị trí đẹp, thuận lợi giao thông thương mại nhưng những thỏa thuận đầu tư rốt cục cũng chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Giờ thì những vùng đất vàng ở nam Cầu Phủ, ở bắc Thạch Quý đang buộc phải chuyển đổi công năng. Thành phố phải điều chỉnh quy hoạch để đưa cụm công nghiệp Bắc Quý ra khỏi nội thành vì hiệu quả sản xuất không cao trong khi ô nhiễm môi trường lại đã thành vấn nạn.
Như vậy là 14 ha được thành phố quy hoạch dành cho sản xuất công nghiệp tập trung cơ bản đã không phát huy được hiệu quả. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố lại trở về với tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm quanh đi quẩn lại cũng chỉ có gỗ chế biến của doanh nghiệp Hào Quang, chăn ga của làng nghề Thạch Đồng. Phần còn lại chẵng có gì đáng kể. Đáng quan ngại hơn là các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn khu dân cư và lẽ dĩ nhiên tồn tại không theo bất cứ một quy hoạch nào.
Siêu thị Co.opmart là điểm nhấn duy nhất trong phát triển thương mại – dịch vụ của TP. Hà Tĩnh. |
Trong khi các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung đang loay hoay chật vật thì các hoạt động thương mại của thành phố lại cũng hết sức tự phát và thiếu tính định hướng. Giám đốc sở Công thương Trần Nhật Tân cho rằng: cái thiếu của thành phố chính là những tuyến phố chuyên doanh gắn với sản phẩm đặc trưng. Cho dù Thành phố đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các Khu thương mại tập trung như Trung tâm thương mại Minh Khai (chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng), chợ nông sản Cầu Đông, chợ giết mổ gia cầm…nhưng hiệu quả khai thác lại không được như mong muốn. Không quá khi nói rằng những chuyển động về dịch vụ thương mại trên địa bàn Thành phố trong những năm gần đây thấy rõ nhất vẫn là cà phê, quán bia, quán ăn sáng, phòng hát Karaoke…Các dịch vụ chủ lực, phục vụ đời sống sinh hoạt không thực sự nổi trội.
Nông nghiệp thiếu mô hình
Thành phố Hà Tĩnh không thể xây dựng cánh đồng mẫu hay các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn như các địa phương. Đây là điều hẵn nhiên khi mà quỹ đất nông nghiệp tập trung đang bị chia năm sẻ bảy bởi đủ các loại quy hoạch. Thế nhưng ngay đến các mô hình sản xuất vừa và nhỏ, các mô hình sản xuất đặc thù mang lại lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp lại cũng không có nhiều.
Đã có một dạo trên địa bàn Thạch Hạ, Thạch Hưng xuất hiện một số mô hình nuôi trồng thủy sản khá hiệu quả nhưng rồi theo năm tháng các mô hình cứ sụt giảm dần cùng với độ sụt giảm tâm huyết của người dân ven đô. Lại cũng có một dạo người ta đưa cây hoa ly về trồng ở Thạch Môn với suy nghĩ sẽ cung cấp hoa tươi cao cấp cho thị trường thành phố. Nhưng sau một vài vụ, hoa bị chết không rõ nguyên nhân thế là hệ thống nhà lưới lại chuyển sang mục đích sử dụng khác. Hiện tại khi toàn tỉnh đã có gần 100 mô hình chăn nuôi lợn tập trung thì thành phố mới tính chuyện bắt tay với Mitraco để phát triển chăn nuôi lợn vệ tinh. Thành phố là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất tỉnh nhưng các địa phương ven đô đã không thể nắm lấy cơ hội này như là lợi thế cạnh tranh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra mô hình trồng nấm tại xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh |
Theo giám đốc sở NNPTNT Đặng Ngọc Sơn: tâm lý thiếu mặn mà với sản xuất nông nghiệp của một bộ phận nông dân là có thật nhưng Thành phố cũng cần phải xem lại các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Ông Sơn dẫn chứng: nguồn vốn tranh thủ từ quyết định 24, 26 trên địa bàn Thành phố chưa đầy 4 tỉ đồng, nghĩa là chỉ chiếm tỉ lệ 2,5% so với toàn tỉnh. Trong khi đối với các huyện thị khác thì quyết định 24, 26 thực sự mang đến những ‘cơ hội vàng’ cho việc triển khai đề án sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Những khó khăn đã được dự báo
Thu ngân sách – một trong những thước đo về hiệu quả sản xuất kinh doanh đã cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan về đời sống kinh tế trên địa bàn thành phố. Năm 2012 thành phố chỉ đạt 51% kế hoạch, trở thành địa phương không hoàn thành kế hoạch ngân sách với tỉ lệ lớn nhất. Năm 2013 thành phố được giao 673 tỉ đồng nhưng 4 tháng đầu năm mới chỉ đạt 141 tỉ, nghĩa là bằng 21% kế hoạch.
Sản xuất kinh doanh không phát triển, nguồn thu buộc phải nhìn vào đất đai. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhiều địa phương ở Thành phố lâm vào cảnh nợ xây dựng cơ bản chồng chất. Bản thân thành phố cũng không thể đảm bảo nguồn vốn để thực hiện hoặc đẩy nhanh các dự án.
Tại các địa bàn ven đô, việc thiếu mô hình đã dẫn tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao và quan trọng hơn là thiếu động lực để thúc đẩy đề án sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Ngoài xã Thạch Hạ, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khác vẫn nằm trong nhóm trung bình và yếu kém. Đến thời điểm hiện tại xã Thạch Hưng, xã Thạch Đồng mới chỉ đạt 4 tiêu chí (chiếm 33% số xã). Đây là điều rất đáng để suy nghĩ khi mà toàn tỉnh cũng chỉ còn 30 xã dưới 5 tiêu chí, trong đó chủ yếu là những xã vùng sâu vùng xa hoặc là những vùng thuộc diện di dời tái định cư.
TP Hà Tĩnh đang nung nấu quyết tâm xây dựng đô thị loại 2 vào năm 2015. Thế nhưng ngay đến một số tiêu chí của đô thị loại ba như công viên trung tâm, tỉ lệ lao động nông nghiệp…vẫn còn phải ‘nợ’. Có những tiêu chí có thể giải quyết dứt điểm bằng một vài dự án nhưng cũng có những tiêu chí đòi hỏi sự chuyển động bền bỉ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và mọi người dân. Thúc đẩy sản xuất, xây dựng mô hình, phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực không phải là câu chuyện một sớm một chiều nhưng cũng không thể chậm chân và càng không thể dựa dẫm trông chờ. Như lời Bí thư Thành ủy Ngô Đức Huy phát biểu trong cuộc làm việc mới đây giữa UBND tỉnh với Thành phố Hà Tĩnh thì có lẽ đã đến lúc thành phố phải xốc lại tinh thần như cách đây hơn 6 năm cả thành phố bắt tay dồn sức thực hiện Nghị quyết 18 của Ban thường vụ Tỉnh ủy. |
TRẦN LONG
baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn