Nguồn lực ấy giúp nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, khang trang.
Đề án xã hội hóa nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh đạt đô thi loại II vào năm 2018 được triển khai từ tháng 6/2016. Trước khi triển khai thực hiện đề án, thành phố đạt được 32/59 tiêu chuẩn, điểm số đạt được 64/100 điểm. Đến nay, thành phố đã đạt 57/59 tiêu chuẩn, 91,99/100 điểm - đủ 5 nhóm tiêu chí đô thị loại II.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong những năm qua đã góp phần thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với quy hoạch trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Được biết, trong 2 năm thực hiện đề án, TP Hà Tĩnh đã thu hút nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp hơn 2.306 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng nguồn xã hội hóa của địa phương.
Điển hình như các dự án: Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở VinCom do Tập đoàn Vingrop làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 18.500 m2; Xây dựng công trình đại lý ô tô cấp I tại xã Thạch Trung với tổng mức đầu tư gần 5 triệu USD; các cơ sở kinh doanh, kho thương mại tổng hợp, văn phòng cho thuê…
“Đối với huy động vốn từ các doanh nghiệp, thành phố đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh cũng như quan tâm, tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ tối đa đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng theo tiến độ mà nhà đầu tư yêu cầu, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho các dự án...” - Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Hà Văn Trọng cho biết.
Phát huy sức dân, huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân cũng được thành phố quan tâm triển khai bằng nhiều chủ trương, chính sách. Theo đó, thành phố đã huy động nhân dân đóng góp tiền, vận động hiến đất, phá dỡ vật kiến trúc để hoàn thành 75,79 km đường giao thông, 28,35 km mương thoát nước, xây mới 24 nhà hội quán, rải thảm nhựa đường 24 nghìn m2, hoàn thành 43 nghìn m2 lát gạch vỉa hè... với giá trị hơn 302 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn đóng góp gần 2.400 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, chỉnh trang nhà ở và các công trình của tư nhân... ngoài danh mục đề án phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Minh (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cuối năm 2017, khi địa phương có chủ trương lát gạch vỉa hè trên cơ sở một phần xã hội hóa từ đóng góp của người dân, chúng tôi rất đồng tình triển khai. Đến nay, đường sá khang trang, vỉa hè sạch đẹp nên người dân rất phấn khởi”.
Thời điểm được nâng hạng lên đô thị loại II đang đến rất gần với bà con TP Hà Tĩnh. Tuy vậy, được công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh là một mốc khởi đầu để Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện, vươn lên. Và tất yếu, nguồn lực từ xã hội hóa vẫn là “chìa khóa” để xây dựng đô thị trong thời gian tới...
Theo Thành Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn