Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, các cấp ủy Đảng trong toàn thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân vận theo từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó xác định đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng thiết thực, hiệu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, với vai trò chủ đạo, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” thị xã đã tập trung định hướng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị lựa chọn, xác định nội dung phù hợp để triển khai xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tư tưởng chỉ đạo của xây dựng mô hình là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận của nhân dân để tập trung giải quyết các vấn đề khó, bức xúc, các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, hướng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Với phương châm “Thực tiễn sinh động - chủ trương sát hợp - biện pháp linh hoạt - nhân dân đồng thuận - biểu dương kịp thời - tổng kết nhân rộng”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát huy hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, toàn thị xã đã có 378 mô hình “Dân vận khéo” đăng ký thực hiện; trong đó có 297 mô hình được bình chọn, công nhận và 53 mô hình được biểu dương, khen thưởng. Các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả trong thời gian vừa qua đã khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương về công tác vận động nhân dân của Đảng. Từ việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, các địa phương, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay và đúc kết được nhiều kinh nghiệm tốt trong công tác vận động quần chúng. Các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai rộng rãi đến cả hệ thống chính trị ở cơ sở, các lực lượng làm công tác dân vận, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động và khơi dậy nội lực trong nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở mỗi địa phương, đơn vị, củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đó là tìm giải pháp thích hợp để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân; “khéo” tuyên truyền, vận động, thu hút doanh nghiệp về đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn; “khéo” tuyên truyền để dạy nghề cho lao động nông thôn và vận động thanh niên vào làm việc tại các dự án trên địa bàn; “khéo” đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi với việc hỗ trợ, giúp đỡ vốn, định hướng nghề nghiệp, giúp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả.
Trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, đã “khéo” phát huy quyền làm chủ của người dân, ý thức tự quản của nhân dân, đẩy mạnh phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình; nổi bật là việc người dân tự nguyện hiến tài sản, hiến hàng ngàn m 2 đất để mở rộng mặt đường đạt chuẩn, đóng góp kinh phí, ngày công để đổ bê tông, thảm nhựa mặt đường, xây dựng hệ thống mương thoát nước, điện chiếu sáng, trồng cây xanh, hàng rào xanh, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xóa nhà hố xí 2 ngăn, lắp đặt hệ thống pano áp phích tuyên truyền, giá treo cờ đồng bộ ...
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã chú trọng tính thiết thực, sát thực tiễn; “khéo” vận động xã hội hóa nguồn lực, phát huy tinh thần tương trợ trong các tầng lớp nhân dân; tìm các phương thức vận động đa dạng, phong phú, linh hoạt đến từng người, từng nhà nên phong trào chăm lo cho người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà “mái ấm công đoàn”, ủng hộ nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, đồng bào bị bão lụt, thiên tai… được phát triển sâu rộng; đó là “khéo” vận động để xây dựng và nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, “thôn, tổ văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; đó là “khéo” vận động để xây dựng các quỹ nhân đạo, từ thiện làm nguồn lực để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm nghèo bền vững; đó là “khéo” vận động để đẩy mạnh phong trào tình nguyện vì cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường thông qua “Ngày chủ nhật xanh”, “Chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa”, “xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật”,...; đó là “khéo” tìm các nguồn lực để lắp đặt khu vui chơi mini cho trẻ em, hệ thống nhà chờ xe buýt; vận động nhân dân tham gia phong trào bóng chuyền hơi rèn luyện sức khỏe,...
Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đã “khéo” dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tổ chức các hoạt động giúp dân, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống; sâu sát địa bàn, tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự; vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy, giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; vận động gắn camera tại các tổ dân phố, khu dân cư; tích cực tham gia các hoạt động giúp nhân dân vùng giáo chỉnh trang đô thị; “khéo” vận động bà con giáo dân tham gia các hoạt động cộng đồng như xây dựng Câu lạc bộ “phụ nữ vùng giáo sống tốt đời, đẹp đạo”; giao lưu thể thao với thanh niên vùng giáo, “khéo” tạo mối quan hệ gắn bó với linh mục, nhà sư, chức sắc, chức việc.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đã tập trung chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đạo đức công vụ trong các cơ quan nhà nước, nhất là những cơ quan thường tiếp xúc trực tiếp và giải quyết các thủ tục, giao dịch hành chính với nhân dân. Các cấp ủy đã chọn nội dung phù hợp, “khéo” đề ra chủ trương hợp lòng dân, “khéo” khơi dậy đúng lúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân, biết dựa vào sức dân để chăm lo cho dân, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, sự nhất trí, đồng lòng từ phía người dân, các tổ chức, các doanh nghiệp; “khéo” kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót; “khéo” giải quyết những vướng mắc cho cơ sở; “khéo” trong tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đơn thư và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Bên cạnh các mô hình “Dân vận khéo” thì điển hình “Dân vận khéo” xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống, trên khắp các lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Có những điển hình nổi bật, ai cũng có thể thấy, nhưng cũng có nhiều gương điển hình âm thầm, lặng lẽ đem niềm vui, hạnh phúc đến cho tất cả mọi người. Những tấm gương điển hình “Dân vận khéo” của các cá nhân đã ngày càng lung linh, lan tỏa, dẫu bình dị mà cao cả, xứng đáng là những bông hoa “Dân vận khéo” được nhân dân tin yêu, quý mến.
Có thể khẳng định rằng, sức lan tỏa của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng sâu rộng, đó cũng là một trong những trọng tâm trong công tác vận động nhân dân, được Ban Thường vụ Thị ủy và cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Để phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho nhân dân, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Hai là, xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả phong trào phải xây dựng phù hợp với từng loại hình, từng lĩnh vực, từng đối tượng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” không tách rời với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác, song “Dân vận khéo” có nét riêng, đó là cách thức, là nghệ thuật, sự khéo léo trong công tác vận động. Do vậy, trong tham mưu, trong tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị cần phải vừa phát huy nét riêng vừa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị và các phong trào khác nhằm đạt mục tiêu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị.
Ba là, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào có tôn giáo, trong giải quyết các “điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Bốn là, phương thức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vừa kết hợp với triển khai bề rộng vừa lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm - là nơi có đông đảo lực lượng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động; nơi trực tiếp thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.
Năm là, cơ quan tham mưu, cán bộ dân vận các cấp phải “khéo” bám sát cơ sở, chủ động khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân để tham mưu nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đi vào chiều sâu, thiết thực, bám sát vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết. Việc kiểm tra, đánh giá phải chính xác, khách quan; việc tổ chức tuyên dương phải được thực hiện từ cơ sở đến cấp trên để động viên kịp thời và tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Bước sang năm mới 2020, tin tưởng rằng, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Hồng Lĩnh tiếp tục sẽ được triển khai thực hiện có hiệu quả và những tấm gương điển hình “Dân vận khéo”, những mô hình “Dân vận khéo” của thị xã đã và đang làm nên những thành công nhỏ để cùng góp phần vào thành công lớn - xây dựng Hồng Lĩnh trở thành một đô thị giàu đẹp, văn minh vùng phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Hoàng Bá Khang (UVBTV, Trưởng ban Dân vận Thị ủy)/thixahonglinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn