Bên cạnh việc tập trung hoàn thành chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng.Thời gian qua, hoạt động sản xuất, thu mua và chế biến hải sản tại xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh đã có những dấu hiệu khởi sắc.
Mặc dù chỉ thu mua đươc từ 5-10 tấn cá mỗi ngày nhưng cơ sở thu mua hải sản, sản xuất nước mắm của chị Đặng Thị Luận, thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của mỗi một cơ sở sản xuất, đến thời điểm này năng lực sản xuất và chế biến hải sản của Kỳ Ninh đã cơ bản phục hồi. Chỉ tính từ đầu năm đến nay xã Kỳ Ninh đã khai thác, sản xuất và chế biến được trên 1.275 tấn hải sản, trong đó thu mua 600/600 tấn hải sản để chế biến và tiêu thụ được 275 nghìn lít nước mắm.
Một số hình ảnh khai thác hải sản của ngư dân
Tuy nhiên, tâm lý e ngại của thị trường vẫn là một trong những băn khoăn của các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản.Chị Đặng Thị Luận, thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh cho biết “mặc dù bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, nhưng cơ sở thu mua, sản xuất nước mắm của gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì để tạo công ăn việc làm cho bà con và thu mua hải sản của ngư dân. Trước đây, mỗi ngày chúng tôi xuất 2-3 nghìn lít nước mắm phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh nhưng hiện nay do khách hàng vẫn còn e ngại nên lượng tiêu thụ chỉ bằng 50-60%”.
Thời gian tới, cùng với việc triển khai các giải pháp để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ tái sản xuất sau sự cố môi trường biển, công tác giám sát kiểm tra an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ năng lực chế biến sẽ được xã Kỳ Ninh nói riêng, TX Kỳ Anh nói chung tập trung thực hiện. Tuy nhiên, nhân tố quyết định vẫn là sự chủ động và tinh thần vượt khó của các cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn.
Minh Hằng-Nguyễn Đức/Đài TX Kỳ Anh