Sau khi nhường đất phục vụ dự án Formosa Hà Tĩnh, lên vùng tái định cư tại Kỳ Liên, cũng như bao hộ dân khác, gia đình bà Trần Thị Hiệp và ông Nguyễn Xuân Miễn hết sức trăn trở, lo lắng về việc làm và thu nhập. Với sự chủ động tích cực của một gia đình đảng viên, ông bà đã tận dụng diện tích đất vườn ít ỏi ở vùng tái định cư, trên cơ sở học hỏi kỹ thuật và nguồn vốn hỗ trợ từ sự tín chấp của Hội phụ nữ, ông bà đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng và sản xuất nấm ăn. Khu nhà xưởng được đầu tư xây dựng 100m 2, sản xuất 700 – 800 bịch nấm sò và nấm mộc nhĩ, sau khi trừ chi phí còn thu lãi khoảng 40 triệu đồng cho một chu kỳ 6 tháng. Mô hình trồng nấm sò của gia đình bà Hiệp, Ông Miễn đang được địa phương đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP.
Mô hình trồng dưa chuột và các rau màu khác của gia đình bà Trần Thị Hiệp và ông Nguyễn Xuân Miễn hàng năm đữa đưa lại hiệu quả cho gia đình
Diện tích còn lại gia đình bà Hiệp dành để trồng các loại rau dưa và nuôi gà thịt. Bà Trần Thị Hiệp ở phường Kỳ Liên cho biết thêm: “ gia đình còn thuê thêm 400 m2 đất để trồng rau, củ quả tăng thu nhập cho gia đình. Sự cần cù, chịu khó đã cho ông bà những mùa quả ngọt, rau xanh có bán quanh năm, tăng thu nhập cho gia đình”.
Theo chân gia đình người đảng viên, hiện nay, ở phường Kỳ Liên đã có nhiều gia đình hội viên phụ nữ tận dụng hiệu quả diện tích đất vườn để cải tạo xây dựng những khu vườn mẫu xanh tốt, mát mắt, mang lại thu nhập ổn định. ,PV: Chị Nguyễn Thị Thủy- Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Kỳ Liên cho biết thêm: “Cùng với tinh thần tự lực của các gia đình, Hội phụ nữ Kỳ Liên đã tạo điều kiện tín chấp qua các nguồn vốn, chuyển giao KHKT, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình hay để nhân rộng trên địa bàn”.
Vùng đất tái định cư khó khăn trong tổ chức sản xuất thuở nào, giờ đã xanh tốt với nhiều mô hình cây trái. Điều này không chỉ giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, ổn định tâm lý, mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng đô thị văn minh.