TX Kỳ Anh hiện có khoảng 582 ha nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã đã phối hợp tổ chức cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản đi tham quan, học hỏi, tập huấn, hướng dẫn thí điểm các mô hình nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Từ đó, nhiều hộ dân đã khai thác lợi thế mặt nước tại các triền sông, đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả cao.
Tháng 6/2018, Trung tâm đã phối hợp khảo sát và hỗ trợ cho gia đình ông Trần Thái Dũng (thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh) tiến hành thả nuôi 10.000 con cá bống bớp với tổng giá trị con giống lên đến 80 triệu đồng trên diện tích 0,5 ha mặt nước thuộc vùng Eo Bù. Dự kiến, sau gần 1 năm, cá sẽ cho thu hoạch, trọng lượng từ 8-13 con/kg với mức giá thương phẩm 220.000 đồng/kg, thu về từ 220 - 250 triệu đồng. Trong quá trình nuôi thả cá, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để mô hình đạt hiệu quả kinh tế, từ đó nhân rộng trên địa bàn.
Cũng tại xã Kỳ Ninh, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi xây dựng thí điểm mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương. Qua thời gian đầu, mô hình cho thấy hiệu quả cao. Hiện tại, mô hình nuôi hàu này đang được nhiều hộ dân chủ động học tập, nhân rộng.
Anh Trần Dương (xã Kỳ Hà) chia sẻ, nuôi hàu Thái Bình Dương không khó, không tốn chi phí thức ăn mà chỉ cần theo dõi, vệ sinh hàng ngày. Về đầu ra thì mỗi kg hàu vỏ được bán 30.000 đồng, còn hàu tách vỏ lấy ruột đóng gói bán với giá 120.000 đồng/kg. Tính ra, với diện tích mặt nước khoảng 200 m2, sau 6 - 7 tháng nuôi sẽ cho lãi hàng chục triệu đồng. "Đặc biệt, qua mô hình, tôi được tiếp cận với những kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, hiện tại tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi thêm các giống hải sản mới như cá chẽm, cá hồng mỹ, ốc hương…" - anh Dương cho biết.
Bên cạnh hỗ trợ việc nuôi trồng, công tác ứng dụng khoa học vào sản xuất, chế biến thủy sản cũng được thị xã quan tâm. Mô hình sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời, hệ thống vận hành tự động, khép kín tại HTX Mạnh Cường - xã Kỳ Hà (do Australia tài trợ) được hỗ trợ xây dựng với công suất 40.000 lít/năm. Hệ thống đã vận hành từ đầu tháng 3/2018, sản phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ… Khi đi vào sản xuất ổn định, ước mỗi năm, mô hình cho doanh thu từ 3 - 3,5 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh Thân Văn Tự cho biết, TX Kỳ Anh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản. Do đó, khá nhiều đề tài, dự án đã được chuyển giao, nhân rộng, với nhiều chính sách khuyến khích thiết thực, các mô hình của người dân ngày càng có quy mô lớn, khoa học hơn.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm mở ra hướng đi mới cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mô hình trồng rau và hoa thủy canh trong nhà lưới, mô hình trồng nấm, cây ăn quả… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được người dân tích cực nhân rộng.
"Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao KH&CN, thúc đẩy kinh tế phát triển, chúng tôi tiếp tục tranh thủ mọi chương trình, nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ để xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý các dự án, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp thu, áp dụng công nghệ tiên tiến vào thâm canh, sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân bảo hộ thương hiệu sản phẩm" - ông Tự nói thêm.
Theo: Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn