Chính quyền, doanh nghiệp cùng giúp nông dân
Cùng với đưa giống mới vào sản xuất, các mô hình liên kết trong sản xuất ngô cũng đang dần hình thành, mang lại triển vọng mới cho ngành này. Tại các điểm canh tác ngô chuyển gen vụ mùa đầu tiên đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân. Nông dân được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầy đủ, đồng thời nhận được hỗ trợ giống hoặc giá giống từ địa phương hoặc các doanh nghiệp như Syngenta, Dekalb...
Được bao tiêu sản phẩm, nông dân xã Bản Cầm yên tâm sản xuất.
Liên kết chuỗi giúp ổn định từ đầu vào đến đầu ra cũng là một điểm sáng trong sản xuất ngô gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ ngô đang được triển khai tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Được biết, đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua.
Cụ thể, vụ ngô 2014-2015, Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai, Công ty Dekalb Việt Nam, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam và Công ty TNHH MTV An Nghiệp (doanh nghiệp thu mua) đã cùng vào cuộc, hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh trồng thí điểm 110ha ngô lai trên địa bàn 5 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Hà và Si Ma Cai. “Đây là lần đầu tiên, nông dân trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp cùng “bắt tay” trồng giống ngô lai của Dekalb Việt Nam do Công ty CP Giống cây trồng miền Nam phân phối trên một diện tích rộng. Sau thu hoạch, Công ty An Nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản lượng ngô cho bà con với giá hợp lý. Giống được bán chịu, sản xuất ra sản phẩm có đơn vị thu mua, bà con chỉ góp đất, công chăm bón, như vậy không có lý do gì mà nông dân không tham gia”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.
Mỗi năm toàn tỉnh Lào Cai trồng khoảng 36.500ha ngô, năng suất bình quân chỉ đạt 3,65 tấn/ha, trong khi đó, năng suất ngô trong mô hình trên diện tích 110ha trồng giống của Dekalb đã cho năng suất vượt trội, trung bình 12-13 tấn ngô tươi/ha, tương đương 6-6,5 tấn ngô khô.
Hiện nay, 1/3 sản lượng ngô của bà con làm ra được sử dụng để chăn nuôi, làm thức ăn trong những tháng giáp hạt, còn lại 2/3 phải tự tiêu thụ, bán cho các thương lái thu gom, xuất khẩu đi Trung Quốc. Tuy nhiên, giá cả thu mua rất bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên lợi nhuận không cao. Chính vì vậy, sự vào cuộc của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất. Theo đó, nông dân tham gia mô hình nhận được 4 “bảo hiểm bền vững”: Được ứng giống ngô lai Dekalb vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ mà không phải trả bất kỳ một khoản lãi suất nào, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô bắp tươi khi đến thời điểm thu hoạch...
Bà Hà Thị Hồng, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng vui mừng cho hay: “Những vụ ngô trước, bà con thường tự phải mua giống ngô để gieo trồng, mỗi gia đình mua một giống, một chủng loại nên năng suất, chất lượng không cao và đồng nhất, khi bán hay bị thương lái ép giá. Giờ có các doanh nghiệp về cung ứng giống, rồi lại thu mua ngô cho bà con, chúng tôi đỡ vất vảhơn rất nhiều”.
“Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đưa tiến bộ đến nông dân phải có thời gian và thực tế chứng minh. Nếu giống không tốt, chất lượng không cao thì bà con sẽ không trồng. Rất mong mô hình liên kết này được nhân rộng, vì tiềm năng phát triển ngô của Lào Cai còn lớn”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Cải thiện năng suất, chất lượng
Được biết, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đang trong vụ đầu tiên ứng dụng thử nghiệm công nghệ sinh học giúp ngô có khả năng kháng sâu và thuốc trừ cỏ. Dù cần có thêm nhiều thời gian đánh giá nhưng có thể thấy bước đầu năng suất, chất lượng được cải thiện đáng kể. Ông Nguyễn Văn Cảnh, khu 3 xã Trung Nghĩa (Thanh Thủy - Phú Thọ) nói: “Một trong những ưu điểm tôi nhận thấy là giúp giảm công lao động từ lúc làm cỏ đến phun thuốc. Việc giảm công lao động ở những vùng neo người như nông dân chúng tôi rất quan trọng. So sánh với các vụ trước thì tôi thấy có hiệu quả hơn mà làm nhàn hơn ngô bình thường”.
Ông Nguyễn Ngọc Lê, Tổ trưởng khuyến nông xã Trung Nghĩa bày tỏ: "Giống mới này giúp nông dân bảo vệ cả mùa màng lẫn sức khỏe, rồi cải thiện năng suất. Minh chứng cụ thể là tại nhiều nương ngô, chúng ta không tìm thấy một con sâu đục bắp nào trong khi nương ngô bên cạnh là giống ngô thường thì 10 bắp có tới 4,5 bắp là bị sâu. Tôi nghĩ giống chuyển gen sẽ bảo vệ năng suất cho người nông dân đến cùng”.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao duy trì được mối liên kết "4 nhà", nhất là đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm của bà con được thông suốt, đạt lợi nhuận cao thì hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ mới trọn vẹn. Đây cũng là điều các doanh nghiệp, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải đặc biệt quan tâm để đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá trị.
Anh Thơ
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn