Chuyển hướng
Năm 22 tuổi, anh Chúng theo gia đình tham gia thu mua, khai thác gỗ rừng trồng, cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn. Cùng với thu mua gỗ keo, tràm, anh còn theo học nghề mộc và được nhiều người biết đến. Bước ngoặt cuộc đời bắt đầu khi anh cưới vợ. Tận dụng khoảng sân vườn của gia đình, anh đầu tư xây dựng chuồng gà, lợn giúp vợ có việc làm.
Ban đầu anh Chúng chỉ thả nuôi vài trăm con gà, vài chục con lợn mỗi lứa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hai năm sau khi xây dựng mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, với số vốn dành dụm trong thời gian thu mua gỗ rừng trồng, năm 2013, anh đầu tư mua hơn 10.000m2 đất cách xa khu dân cư với kỳ vọng xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín. Xây dựng trang trại quy mô lớn, anh được bạn bè giới thiệu làm thêm đại lý thức ăn chăn nuôi, phân phối gà giống.
“Tôi khoanh vùng diện tích đất chăn nuôi nhằm tách biệt khu trang trại với khu vực dân cư xung quanh. Nhờ làm đại lý cung ứng con giống cho các nhà máy sản xuất gà giống nên tôi được nhà máy tư vấn hỗ trợ rất nhiều trong việc lựa chọn và áp dụng các biện pháp chăn nuôi gà. Đối tượng được chọn nuôi là gà giống chất lượng cao của Bình Định.
Khâu chọn giống được tôi cân nhắc rất kỹ, cùng với đó là công tác thú y. Bắt đầu quyết định chuyển nghề sang chăn nuôi, tôi phải tham gia nhiều khóa học. Nhờ đó, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh… tại trang trại khá tốt. Từ khi lập nghiệp đến nay chưa bao giờ trang trại bị các loại bệnh nguy hiểm tấn công”, anh Chúng trải lòng.
Động lực chăn nuôi sạch
Mỗi năm, từ chăn nuôi, anh Chứng thu lãi hơn 500 triệu đồng, nhưng sản phẩm không có thương hiệu, thị trường khá bấp bênh nên thường xuyên bị ép giá. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Trạm Thú y TX. Hương Thủy, anh bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP.
Khuôn viên trang trại được bao bọc bởi hệ thống lưới, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Ngay phía cổng chính thiết kế 1 hố sát khuẩn, rải vôi dọc khu vực ra vào. Trang trại chia thành 3 phân khu chính, khu nuôi gà được chia theo từng ô nhỏ, mỗi ô là một lứa gà với hơn 2.000 con. Khu chăn nuôi lợn cũng được bố trí thành 2 khu nhỏ gồm khu nuôi lợn thịt và khu nuôi lợn sinh sản. Khu còn lại được xây dựng kiên cố phục vụ nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của nhân công và kho chứa thức ăn, thú y.
“Chăn nuôi theo hướng VietGAP khó nhất là phải quản lý được nguồn thức ăn, nước uống, không sử dụng chất cấm; phòng dịch bệnh; quản lý được lượng thuốc thú y. Trong khi làm đại lý thức ăn, thú y nên các vấn đề đó mình nắm khá kỹ. Việc ghi chép, lưu trữ thông tin theo dõi vật nuôi; xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh môi trường… được xử lý tận gốc”, anh Chúng nói.
Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương và các công ty thuốc thú y tổ chức để nắm bắt thêm kiến thức. Cùng với đó, anh thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng vắc-xin và phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh khu vực chuồng nuôi bảo đảm luôn sạch sẽ, thoáng mát. Có thời gian rảnh rỗi, anh lại tìm kiếm các đối tác, giới thiệu sản phẩm VietGAP của gia đình, theo dõi thông tin trên báo, đài và mạng internet nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Anh Chúng chia sẻ: “Sau khi xây dựng thành công mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, sản phẩm gà, lợn của Vĩnh Huệ được nhiều nhà hàng, các đầu mối thu mua, cửa hàng thực phẩm sạch đặt hàng. Chúng tôi đang thương lượng với Tập đoàn Vingroup về cung ứng sản phẩm gà, lợn của trang trại cho đơn vị này. Tuy nhiên, quy mô trang trại chưa đáp ứng nhu cầu cung ứng nên sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại, liên kết với các trang trại đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn để cung ứng thực phẩm an toàn cho Vingroup...”
Mỗi năm doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ chăn nuôi đạt hơn 500 triệu đồng, hiện trang trại Vĩnh Huệ đang duy trì nuôi 6.000 con gà; trên 150 con lợn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn