Phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu phải giải cứu cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Kêu cứu!
Nóng hội trường với vấn đề hồ tiêu, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, giá thị trường hồ tiêu đang rất nóng nhưng lượng mua giảm. Hàng xuất khẩu bị trả lại chủ yếu là tiêu khô. Từ năm 2015, EU bắt đầu xiết về chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Hiện nay, riêng đối với mặt hàng hồ tiêu chưa có văn bản ban hành quy trình canh tác riêng hồ tiêu nên các địa phương khó trong công tác khuyến cáo và tập huấn cho nông dân. Về lâu dài, đề nghị Bộ NNPTNT cần khảo sát đánh giá về hiện trạng canh tác hồ tiêu.
Có lẽ giảm sút trong khâu tiêu thụ đặc biệt là xuất khẩu, mặt hàng gỗ và lâm sản “vướng” nhất. Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gỗ và lâm sản Nguyễn Tôn Quyền cho biết: Những năm trước đều tăng trưởng nhưng riêng quý I/2015 xuất khẩu gỗ và lâm sản có giảm sút. Tổng xuất khẩu gỗ quý I/2015 giảm 6% so với cùng kỳ trong đó tháng giảm nhiều nhất là tháng 2. Hầu hết các thị trường truyền thống đều giảm về số lượng. Một trong những khó khăn là chi phí đầu vào cao, trong khi đó giá bán không thể giảm. Nhiều DN đang đắn đo để mức giá nào cho đỡ lỗ vốn hoặc hòa vốn.
Mặc dù hoạt động có quy củ, nhưng thực tế từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu cà phê luôn duy trì ở mức thấp, quý I/2015, xuất khẩu cà phê chỉ đạt chưa được 350 tấn, so với cùng kỳ sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 41% về lượng và 27% về giá trị. Ngoài ra giá cà phê chỉ còn 38.000đ/kg (thấp hơn cả thời điểm thấp nhất là tháng 12.2014).
Cũng trong bối cảnh khó khăn trong thị trường xuất khẩu, chỉ tính 3 tháng đầu năm 2015, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết: Giá trị xuất khẩu thủy hải sản đang giảm mạnh nhất trong 5 năm qua với mức giảm lên tới 23%. Trong đó mặt hàng tôm giảm mạnh nhất, sau đó là cá tra. Theo đại diện của Hiệp hội thủy sản Việt Nam thì ngoài việc bị thu hẹp thị trường thì tác động chống bán phá giá với Hoa Kỳ, tỉ giá, giá trị của những đồng tiền chính này đang giảm. Các đơn hàng giảm đáng kể đặc biệt là hai thị trường Nhật Bản và Châu Âu.
Đại diện các hiệp hội đang lo ngại trước cảnh báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) năm nay xuất khẩu có nhiều khó khăn, 3 tháng đầu năm lại nhập siêu, phải nghiên cứu sát tình hình, nhận diện các nguyên tố bất lợi và giải pháp. 3 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản đã mất đi thuận lợi, ảnh hưởng nhìn thấy là xuất khẩu thủy sản và một số ngành khác. Nếu tiếp tục đà này, năm 2015, xuất khẩu nông sản có khả năng tăng trưởng không đạt như năm 2014.
Vị tổng tư lệnh ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tích cực vào cuộc với tinh thần cao nhất, giải quyết ngay các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thiết bị máy móc, tạo môi trường đầu tư, giao thương… để gỡ khó cho hiệp hội, doanh nghiệp. Riêng các vấn đề liên quan đến thuế đất, tỉ giá ngoại tệ, chi phí vận chuyển… Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa sẽ gửi công văn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để sớm có câu trả lời cho hiệp hội, doanh nghiệp.
Hội nhập cũng muôn vàn khó khăn
Ngành nông nghiệp đang bắt đầu thu hút các nhà đầu tư. |
Từ 2015 - 2018 về cơ bản 10 nước trong ASEAN và nhiều nước khác sẽ áp dụng nhiều loại nông sản có thuế suất bằng 0%, một số mặt hàng còn thuế cũng chỉ khoảng 5%. Đây cũng là một trong những rào cản, vấn đề bảo vệ sản xuất trong nước như thế nào trong bối cảnh phần lớn các nước dựng hàng rào phi thuế quan. Các nước mở cửa cho hàng hóa Việt Nam và ngược lại hàng hóa Việt Nam cũng mở cửa cho các nước. Vì vậy, nếu sản phẩm nông sản không tăng giá trị sản phẩm, tính cạnh tranh thì rất khó tiêu thụ ngay trên sân nhà - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát.
Trước ý kiến của các tỉnh, ông Lê Đình Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Bên cạnh những cơ hội trong quá trình hội nhập chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nếu nông dân sản xuất nhưng không có thị trường tiêu thụ hoặc có thị trường nhưng bó hẹp không tính đến xuất khẩu, với cách tổ chức sản xuất hiện nay rất khó khăn. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Hà Tĩnh xuất khẩu cũng phải cạnh tranh gay gắt có khi không cạnh tranh nổi. Khó khăn hiện nay của Hà Tĩnh cũng như các tỉnh đó là khâu trung gian cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Cụ thể sản xuất tôm đang bị đội giá vì thức ăn chăn nuôi lên tới 6% cho thấy khâu tổ chức sản xuất đang có vấn đề. Vậy vấn đề hiện nay của ngành nông nghiệp là cần có bộ máy cung cấp thông tin, dự báo thị trường… rất cần triển khai đang thiếu những doanh nghiệp tốt, lớn, vào cuộc để nâng cao giá trị sản phẩm giảm chi phí sản xuất cho nông dân từ 5 - 7% chi phí.
Cùng chung quan điểm với tỉnh Hà Tĩnh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Mai Anh Nhị - nói, thủy sản và lúa gạo là thế mạnh của tỉnh nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Nhiều địa phương còn chưa nắm hết thông tin về hội nhập tham gia thị trường hàng hóa vì vậy xuất khẩu không đạt được yêu cầu. Ngoài ra để có được hàng hóa xuất khẩu cần phải sản xuất lớn cả về giá trị và số lượng do đó đòi hỏi phải có công nghệ khoa học. Việc ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu khâu chế biến chỉ là sơ chế hoặc xuất thô, công nghệ lạc hậu dẫn đến hàng hóa chất lượng chưa cao.
Trước những khó khăn mà địa phương, hiệp hội gặp phải, ông Dương Văn Chính, Công ty bảo vệ thực vật An Giang cho rằng nhiều nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhưng do sản xuất manh mún, khó có khối lượng hàng hóa lớn chất lượng cao vì vậy nếu muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần phải đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, liên kết nông dân với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị đồng thời xây dựng thương hiệu đặc sản từ mặt hàng nông sản Việt Nam.
Qua nhiều ý kiến, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa có doanh nghiệp lớn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương phải vào cuộc tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp địa phương, tạo môi trường đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu không, các sản phẩm nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh quốc tế ngay ở thị trường Việt Nam vì khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì chúng ta phải hướng tới phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế cả thị trường nội địa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn