Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh phát triển kinh tế luôn biến động, có nhiều cơ hội, thách thức đan xen là không hề dễ dàng. Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, xung quanh những giải pháp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đạt được mục tiêu đề ra.
Sau hơn 20 năm đổi mới, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành nông nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo ông, đâu là thách thức, mâu thuẫn chúng ta cần tập trung giải quyết trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp?
Có thể thấy rằng, thách thức, mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập thấp của lao động nông nghiệp ngày càng rõ nét. Thống kê cho thấy, lao động nông thôn còn chiếm tỷ trọng lớn nhưng cơ cấu lao động đã có biến động mạnh, số đông ở độ tuổi trung niên và người già. Thực trạng nông dân trả lại ruộng đất cho chính quyền địa phương, không canh tác bỏ hoang diễn ra từ năm 2005 nhưng thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung.
Ngoài ra, còn có thách thức, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao với thực trạng đất đai manh mún, chỉ phù hợp với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; thách thức, mâu thuẫn giữa nhu cầu cao về vốn đầu tư để hiện đại hóa với hiệu quả đầu tư còn thấp, rủi ro cao khiến nông nghiệp rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và vốn FDI.
GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế |
Từ những thách thức, mâu thuẫn này, theo ông, chúng ta cần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nào?
Theo tôi, chúng ta có thể tái cơ cấu theo không gian sản xuất, tái cơ cấu theo chuỗi ngành hàng nông sản và tái cơ cấu theo đối tượng tham gia sản xuất.
Thứ nhất, về tái cơ cấu theo không gian sản xuất, khu vực phát triển ngành hàng nông nghiệp hiện đại, tập trung quy mô lớn có thể phát triển ở vùng đã đủ điều kiện cho phát triển nông nghiệp hiện đại như lao động nông nghiệp giảm, công nghiệp hóa (CNH) và đô thị hóa (ĐTH) mạnh, tỷ trọng nông nghiệp thấp, như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai... hoặc ở vùng dù CNH và ĐTH chưa thực sự mạnh nhưng nông nghiệp là thế mạnh có lợi thế so sánh cao, có những ngành hàng xuất khẩu quan trọng như càphê, chè, thủy sản, lúa gạo,…
Ở những vùng sản xuất khó khăn, CNH và ĐTH thấp, nhưng lao động dồi dào, trình độ cao cần phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, tập trung nhưng sử dụng ít đất đai, cần nhiều lao động trình độ cao. Các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,… phù hợp với chiến lược này.
Tại khu vực miền núi, ven biển, nông nghiệp đồng thời có chức năng kinh tế và sinh thái, cần xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng quản trị chặt chẽ về sinh thái, không đòi hỏi mức độ thâm canh cao. Mô hình này thuận lợi ở các vùng ven biển nuôi trồng thủy sản như đầm phá của Thừa Thiên - Huế, vùng ven biển như Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Cát Bà (Hải Phòng)…, hoặc các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi ở một số nơi của vùng miền núi phía Bắc - Tây Nguyên.
Những khu vực mà chất lượng sản phẩm nông sản có tính đặc thù xuất phát từ hệ sinh thái và văn hóa bản địa, có sự khác biệt rõ nét so với sản phẩm cùng loại từ địa phương khác thì có thể quy hoạch phát triển vùng sản xuất chỉ dẫn địa lý.
Tại nhiều vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp không chỉ với mục đích kinh tế mà còn để ổn định xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Khu vực sản xuất nông hộ là mô hình phổ biến hiện nay và vẫn sẽ tồn tại trong thời gian dài. Để giúp cho hộ sản xuất quy mô nhỏ tham gia thị trường, tăng thu nhập, cần có một số giải pháp sau: Hình thành các chợ nông dân bán hàng trực tiếp trên các khu vực nhất định để có thêm thu nhập; hỗ trợ phát triển chế biến quy mô nhỏ hộ gia đình, bán sản phẩm trực tiếp, hoặc hỗ trợ phân phối sản phẩm; giúp hình thành các HTX, hiệp hội kết nối với thị trường.
Khu vực tổ chức cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp và dịch vụ: Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh về mạng lưới cụm công- nông nghiệp-dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Có thể áp dụng cụm công, nông nghiệp và dịch vụ với các ngành hàng lớn, như lúa gạo, thủy sản, càphê, chè, điều, thịt lợn, sữa… ở các vùng sản xuất lớn.
Thứ hai, về tái cơ cấu chuỗi ngành hàng nông sản, cần có chính sách sử dụng linh hoạt đất trồng lúa trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực và chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng những cây khác phù hợp với điều kiện và lợi thế từng vùng (trồng cỏ nuôi bò sữa, ngô, đậu tương, thanh long, hoa, rau,...) nhưng không được làm thay đổi điều kiện cơ bản của đất lúa. Trước hết cần ưu tiên đối với các ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh, như càphê, cao su, điều, ca cao, tiêu, thủy sản, chế biến sâu sản phẩm lâm sản, sữa, thịt…
Thứ ba, về tái cơ cấu đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp, cần tăng số lượng và chất lượng các nông trại quy mô lớn có quản trị chuyên nghiệp và hiện đại. Ban hành cơ chế, chính sách quản trị trang trại theo quy mô sản xuất, gắn với các tiêu chuẩn, chuẩn mực đòi hỏi trong thương mại quốc tế và quản lý tài nguyên, môi trường. Chính sách tái cơ cấu cần thúc đẩy sự phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp kiểu mới và mạng lưới doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp trong các lĩnh vực, theo vùng, miền.
Xin ông cho biết một số giải pháp cần quan tâm khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp?
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chính sách đất đai là rất quan trọng. Theo đó, cần tích tụ đất đai có quy mô đủ lớn, ổn định, lâu dài, phù hợp với các mô hình sản xuất của từng vùng, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại. Quy hoạch đất đai nông nghiệp ổn định, đồng bộ với quy hoạch dịch vụ, tổ chức khoa học và công nghệ, thương mại, công nghiệp chế biến... thành những cụm công - nông nghiệp. Giao đất lâu dài cho nông dân, từ 50 - 70 năm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát mô hình cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh An Giang.
Hình thành các quỹ đầu tư cho nông nghiệp theo các định hướng ưu tiên trong tái cơ cấu nông nghiệp, các quỹ này có thể tài trợ các dự án, tín dụng đầu tư cho các địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Có chính sách cho vay vốn hình thành các nông trại hiện đại. Nghiên cứu thay thế dần cơ chế hỗ trợ gián tiếp thông qua doanh nghiệp hiện nay (như cơ chế mua gạo tạm trữ) sang chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân theo tỷ lệ phần trăm trên tổng chi phí đầu vào mỗi hộ nông dân đã bỏ ra. Nghiên cứu thực hiện mô hình “thị trường giá cả tương lai” đối với một số nông sản chủ yếu, nhằm điều tiết rủi ro thị trường từ người sản xuất sang các công ty thương mại. Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp.
Về chính sách phát triển chuỗi ngành hàng nông sản, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phân phối trực tiếp ở các chuỗi siêu thị quốc tế, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, thúc đẩy đầu tư ở phân khúc giá trị cao, chất lượng tốt, hạn chế xuất khẩu thô. Với thị trường trong nước, tăng cường quản lý thị trường theo hướng minh bạch, chất lượng theo truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ. Hình thành các bộ khung cơ chế, chính sách khép kín từ sản xuất đến thị trường cho từng nhóm ngành hàng, gắn với từng vùng, từng thị trường và đối tượng sản xuất để hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị đa dạng. Hình thành chuỗi ngành hàng chiến lược có dư địa thị trường, có liên kết quốc tế mạnh, có thương hiệu toàn cầu, có vị thế ở một số thị trường mục tiêu, có ảnh hưởng kinh tế và xã hội lớn... Đổi mới cơ chế điều hành xuất nhập khẩu, theo hướng minh bạch, bình đẳng, có quản trị tốt theo chuỗi ngành hàng nông sản, xác định rõ vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ chức nghề nghiệp của doanh nghiệp và của nông dân.
Về chính sách đổi mới toàn diện hệ thống quản lý, dịch vụ công cho nông nghiệp, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước trong nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp phù hợp và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm người đứng đầu. Đảm bảo minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào, quản trị dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống dịch vụ công cho nông nghiệp cần thay đổi căn bản chức năng, nội dung từ vai trò cung ứng dịch vụ là chính sang chức năng dự báo, điều phối, quản lý, giám sát, đánh giá, hỗ trợ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thị trường, quản lý chất lượng, dịch vụ pháp lý, cạnh tranh thương mại…
Với động lực kinh tế hộ, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, hình thành các hiệp hội, phát triển tổ hợp tác, HTX, có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp sẽ là động lực mới để nông nghiệp nước ta nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn