Ðặc sản quýt hồng Lai Vung nhờ được canh tác theo hướng GAP và được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nên giá trị và thu nhập của nhà vườn luôn ổn định.
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết: Với nhận thức trên và "để tự cứu mình", tỉnh Ðồng Tháp quyết định xây dựng đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Ðề án bao gồm sáu mục tiêu, nhiệm vụ chính: Thứ nhất, điều chỉnh tỷ trọng nội ngành, tăng tỷ trọng chăn nuôi, hoa cảnh; điều chỉnh tỷ trọng ngành thủy sản, tăng tỷ trọng tôm càng xanh và cá đồng. Thứ hai, xây dựng chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm, gắn với tổ chức lại từng ngành hàng nông sản. Lấy thị trường thông qua doanh nghiệp (DN) làm định hướng quy hoạch sản phẩm nông nghiệp và tổ chức sản xuất, nói cách khác là gắn "cầu" vào "cung". Thứ ba, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với các mô hình: "cánh đồng liên kết", "vườn cây liên kết", "ao cá liên kết", "vùng màu liên kết", gắn kết giữa DN và người nông dân trong từng vùng nguyên liệu thông qua các hiệp hội ngành hàng. Thứ tư, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác trong từng vùng nguyên liệu tập trung. Tổ chức lại sản xuất gắn với mô hình tổ chức đời sống dân cư, hoạt động của hệ thống chính trị. Thứ năm, tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tập trung xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất như: lò sấy, kho trữ và các công trình bảo quản sau thu hoạch. Cuối cùng, phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn, bao gồm lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp; gắn với đào tạo, huấn luyện nghề, phát triển dịch vụ để tạo thêm việc làm mới; đẩy mạnh xuất khẩu lao động và đào tạo lao động công nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Lê Minh Hoan, việc triển khai từ "cánh đồng mẫu lớn" đến "cánh đồng liên kết" (CÐLK) đã có một số thay đổi trong nhận thức và thuật ngữ"mẫu lớn" hay "liên kết" không chỉ khác nhau về cách nói. "Cánh đồng mẫu lớn" nhấn mạnh đến phương thức sản xuất, hướng đến quy mô sản xuất lớn. Trong khi đó, CÐLK nhấn mạnh đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối "liên kết" giữa sản xuất với tiêu thụ; giữa người nông dân và DN và bao gồm quy mô sản xuất hàng hóa. Ðây mới là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, không chỉ dựa trên quy mô lớn hay nhỏ.
CÐLK có những điều kiện nhất định về quy mô sản xuất, hệ thống hạ tầng và tính tương đối đồng nhất trong loại hình sản xuất. Vì vậy, xây dựng CÐLK phải phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương, sẽ không có mô hình chung, không thể mặc "đồng phục" cho tất cả CÐLK cũng như các loại nông sản. Những nơi có diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, đan xen giữa lúa, màu, cây ngắn ngày và cây ăn trái phải khác với những nơi có hạ tầng đồng bộ, quy mô đồng ruộng lớn; ở những địa phương mà người nông dân trực canh trên chính mảnh ruộng của mình sẽ khác với những nơi người sản xuất thuê mướn đất. Từng địa phương cần xây dựng mô hình riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương mình, không xây dựng mô hình CÐLK chung cho cả tỉnh.
Ðồng chí Lê Minh Hoan cho biết thêm, TCCNN tất yếu sẽ phải quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp; chuyển những diện tích sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Nhưng việc chuyển đổi này không thể tiếp tục tư duy, quy hoạch và cách làm theo kiểu cũ, là sản xuất ra hàng hóa rồi mới tìm thị trường để tiêu thụ. Ðó là sự "cắt khúc" giữa sản xuất (nguồn cung) và tiêu thụ (nguồn cầu). Mà quy hoạch phải theo tín hiệu của thị trường. Chính thị trường thông qua DN tiêu thụ sẽ quyết định chất lượng nông sản, quy mô và thời vụ sản xuất. Do đó, phải chuyển từ "quy hoạch sản xuất nông nghiệp" thành các "chương trình phát triển theo chuỗi giá trị từng loại nông sản" có thế mạnh.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2014 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đã xác định: Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh Ðồng Tháp triển khai thực hiện đề án TCCNN. Ngoài việc triển khai tốt công tác truyền thông để tạo nhận thức sâu và đồng bộ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện đề án từ trong hệ thống chính trị các cấp, đến các DN, các HTX và cộng đồng dân cư, Ðồng Tháp sẽ tập trung xây dựng đồng bộ các CÐLK, khắc phục từng bước những bất cập trong quá trình thực hiện trong thời gian qua, nhằm xây dựng lòng tin giữa nông dân với DN. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ thông qua hợp đồng đối với các sản phẩm đã và đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như: trái cây, hoa kiểng, rau màu, gia súc, thủy sản...
Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, việc xây dựng CÐLK và thực hiện đề án TCCNN không thể thành công chỉ qua một hay hai mùa vụ, mà phải mất nhiều năm, trải qua nhiều bước đi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung cơ chế và chính sách. Tập quán sản xuất và tư duy quản lý mệnh lệnh, hành chính luôn là sức ỳ không dễ thay đổi. Nhưng Ðồng Tháp sẽ phát triển nông nghiệp bằng cách riêng của mình, là xây dựng CÐLK và TCCNN theo đặc thù của Ðồng Tháp.