Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội đất nước chiều 2/6, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm thủy sản nước ta năm 2011 là 4,02%, năm 2012 là 2,68%, năm 2013 là 2,64%. Vì đây là dùng giá so sánh cố định của năm 2010 nên chỉ tiêu này không phản ánh sự thay đổi về chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Nếu lấy theo giá hiện hành, năm 2013, GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 654.000 tỷ đồng, tăng 163% so với năm 2010.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đời sống nông dân vẫn khó khăn vì quy mô sản xuất của mỗi gia đình còn quá nhỏ nên sự tăng lên không rõ nét, đồng thời tỷ lệ lạm phát cũng làm triệt tiêu một phần giá trị tăng được. Song, cũng có nguyên nhân do nông nghiệp tăng chậm vì nhu cầu tăng yếu, xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi tác động của những tồn tại về cơ cấu của ngành ngày càng mạnh. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu nông nghiệp.
|
Trong năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức quán triệt chủ trương này trong toàn ngành để thống nhất nhận thức và hành động; xây dựng kế hoạch hành động và 12 đề án chuyên ngành cụ thể hóa tới từng lĩnh vực, hướng dẫn các địa phương thực hiện, lựa chọn triển khai các giải pháp ưu tiên…
“Tái cơ cấu là một chủ trương lớn, là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều địa phương nhưng đúng là tiến độ còn chậm. Bộ và các địa phương sẽ phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chủ trương này”, Bộ trưởng nói.
Về phát triển nông nghiệp trong những tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng cho biết, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều tăng, chăn nuôi có xu hướng phục hồi, sản lượng đánh bắt tăng, diện tích trồng rừng tăng, xuất khẩu thủy sản tăng 10%; nhiều xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới...