Hạ giá thành sản xuất
Thời gian qua, các địa phương đã hướng dẫn người dân trồng lúa thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình sử dụng phân bón thông minh; cài vùi phân bón; cấy lúa bằng máy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ... cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào canh tác đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa từ 300 - 600 đồng/kg.
Ông Nguyễn Bá Luận - xã viên Hợp tác xã Tiến Cường (huyện Tam Nông) là một trong những nông dân tham gia thực hiện đầu tiên mô hình phân bón thông minh của Công ty Ryan Agrifoods, ông Luận chia sẻ: “Được hướng dẫn sử dụng sản phẩm phân bón chỉ 1 lần duy nhất trong suốt vụ, bản thân tôi khá trăn trở, không biết lượng phân có đủ để cây sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ của tôi, năng suất cuối vụ còn cao hơn từ 5-10% so với cách bón phân truyền thống. Điều quan trọng nhất là lượng phân bón giảm trên 40%”.
Dưới góc nhìn của người nông dân trong thời hội nhập, nhiều nhà vườn nhanh chóng bắt nhịp xu thế, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP... với mong muốn giảm chi phí sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Huỳnh Xuân Tòng, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Khi nhu cầu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch ngày càng nhiều bắt buộc tôi chuyển sang canh tác xoài theo hướng an toàn. Ngoài thực hiện đúng quy trình, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì bản thân còn nghiên cứu kỹ những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nào thuộc danh mục cấm sử dụng để loại trừ. Đồng thời, tôi đã chuyển sang dùng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học nhằm cải tạo đất. Với hướng đi đó, nông sản của gia đình được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định”.
Ngoài ra, để điều tiết sản lượng cây ăn trái phục vụ nhu cầu thị trường quanh năm và nâng cao thu nhập, người nông dân còn thực hiện mô hình trồng rải vụ. Chỉ tính riêng mô hình canh tác rải vụ đối với cây xoài, giá bán loại nông sản này trong mùa nghịch cao hơn từ 1,5 - 2 lần xoài chính vụ, lợi nhuận trung bình 120 triệu đồng/ha đối với xoài cát Hòa Lộc và 80 triệu đồng/ha đối với xoài cát Chu, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài cả năm ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2016.
Diện tích sản xuất hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày phần lớn được áp dụng hệ thống tưới phun tự động, sử dụng màng phủ nông nghiệp, dùng vi sinh xử lý giá thể trồng. Bên cạnh đó, nông dân đã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn trên rau màu, sử dụng phân bón hữu cơ. Nổi bật là dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thanh Bình của Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp (Ecofarm Đồng Tháp) đã đầu tư 4 nhà lưới với diện tích 8.000m2 để sản xuất dưa lê, dưa lưới theo công nghệ cao, cung cấp ớt giống sạch bệnh cho nông dân... mang lại hiệu quả rất cao. Hiện nay, công ty đang lắp đặt thêm 22.000m2 nhà lưới để mở rộng quy mô sản xuất.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá thuận lợi, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả (mô hình nuôi heo theo hướng hữu cơ, nuôi vịt chuyên đẻ trứng TC, nuôi vịt an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ...). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, giết mổ chế biến tập trung... Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu giảm dần và từng bước đưa chăn nuôi nhỏ lẻ vào chuỗi sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, tỉnh còn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trung tâm heo giống công nghệ cao của Công ty TNHH Liên doanh Austfeed MeKong với tổng vốn đầu tư 440 tỷ đồng. Quy mô công suất dự án sẽ cung cấp 5.000 heo giống ông (bà) và 125 ngàn heo thương phẩm mỗi năm. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 7/2018. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng con giống cũng như chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất chăn nuôi heo.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Đầu ra sản phẩm được xem là vấn đề sống còn trong canh tác, nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh chủ trương thực hiện liên kết trong sản xuất với doanh nghiệp, nhà vựa, trong đó tỉnh củng cố phát triển các hợp tác xã làm cầu nối liên kết.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh thực hiện liên kết tiêu thụ với diện tích gần 45 ngàn ha lúa, diện tích liên kết tiêu thụ được gần 42 ngàn ha, sản lượng thu mua đạt 233 ngàn tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù tổng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết chưa đạt như mong đợi nhưng diện tích lúa được công ty thu mua theo hợp đồng tăng và đạt tỷ lệ cao nhất từ khi bắt đầu triển khai thực hiện cánh đồng liên kết năm 2011 cho đến nay.
Ngoài ra, ngành chuyên môn hỗ trợ liên kết với các nhà vựa, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác tiêu thụ ổn định... từ đó đã giúp đưa một số loại trái cây thế mạnh của tỉnh (xoài, nhãn, quýt đường...) xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ...
Ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Quýt đường Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) cho hay: “Thực hiện quy trình canh tác theo hướng GlobalGAP, chúng tôi mong muốn tạo vùng nguyên liệu sạch để cung cấp cho thị trường. Bằng nỗ lực gây dựng của THT, đến nay đơn vị đã thực hiện liên kết tiêu thụ với Tập đoàn VinGroup với giá bán khá cao, nhà vườn rất phấn khởi, tạo dựng được thương hiệu cây ăn trái tỉnh nhà”.
Ngành hàng vịt được đánh giá đi sau nhưng lại có bước phát triển khá nổi trội, từng bước hình thành chuỗi giá trị ngành hàng với mô hình nuôi vịt trong rọ. Điểm đặc biệt là các THT thu hút được doanh nghiệp tham gia liên kết cung ứng đầu vào và thu mua đầu ra cho sản phẩm. Với cách làm đó, mỗi trứng vịt người nuôi lãi cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường là 200 đồng. Hiện tại, có một hộ chăn nuôi vịt ở huyện Tháp Mười được Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc, đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường lớn này.
Đối với ngành hàng cá tra, toàn tỉnh có gần 810/1.530ha nuôi được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn an toàn. Đa số hộ dân thực hiện hình thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Hình thức liên kết này phù hợp đối với hộ nuôi nhỏ lẻ, người nuôi không phải vay vốn ngân hàng, được cung cấp thức ăn, hỗ trợ về kỹ thuật, đảm bảo đầu ra sản phẩm. Do quyền lợi của người nuôi gắn liền với doanh nghiệp nên lợi nhuận luôn ổn định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn