Tại Nam Trung Bộ, nhiều địa phương đang quyết liệt chuyển đổi các ruộng lúa nước bấp bênh sang cây trồng cây chịu hạn. Thế nhưng điều này đang gặp không ít trắc trở. Nhiều vùng luôn thiếu nước tưới nhưng nông dân vẫn bám cây lúa.
Bấu víu cây lúa
Tại xã miền núi Ea Bia (huyện Sông Hinh, Phú Yên), trên 10ha lúa nước vụ đông xuân này đã bị mất trắng do khô hạn; trên 50ha lúa khác chỉ thu cho “lấy có”, lỗ nặng vốn đầu tư. Theo UBND xã Ea Bia, đây là những thửa lúa mà người dân tận dụng các khe suối để lấy nước gieo trồng, chiếm khoảng một nửa diện tích lúa nước của xã.
Ông Ma Voi (ở buôn Hai Krông, Ea Bia) cho biết: “Trước đây, vùng này vào dịp tết thường có mưa giông, nay hơn 3 tháng rồi không giọt mưa. Nhà mình vừa có 2 sào lúa chết đứng do thiếu nước giữa lúc làm đòng, phải bỏ cho bò ăn. Ao hồ xung quanh khô hết rồi. Suối thì ở xa cả cây số, có kéo nước về bơm cũng lỗ vốn thôi…”. Cạnh đó, hàng chục sào ruộng của mấy hộ dân trong buôn cũng phải bỏ chết khô vì không còn cách cứu chữa. Một số hộ thuê máy bơm cứu lúa nhưng chỉ thu được 2 - 3 tạ/sào (1.000m2), tính ra coi như mua lúa giá đắt để ăn.
Anh Y Bom - cán bộ nông nghiệp xã Ea Bia cho hay, vụ hè thu năm trước, xã này cũng đã có trên 60ha lúa thiệt hại từ 60% đến mất trắng do thiếu nước tưới. Năm nay, bà con rút kinh nghiệm gieo sạ sớm nhưng trời cũng không cho ăn. Còn việc dùng máy bơm tưới cứu lúa chỉ khả thi đối với ruộng cách nguồn nước 500m trở lại. Chứ chi phí 1km đường ống lúc này trên 20 triệu đồng, máy nổ nhỏ cũng không thể hút nước quá xa, bỏ tiền dầu quá nhiều cho một sào lúa là… quá phung phí!
Theo ông Nguyễn Khắc Sự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Hinh, trên 170ha lúa nước vụ hè thu này đã bị khô hạn chết đứng, không thể cứu. Đây là những ruộng lúa nước nằm ngoài khu vực cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi. Nhiều vụ vừa qua và khả năng trong vụ hè thu tới, địa phương luôn có chính sách hỗ một phần tiền dầu cho người dân bơm nước cứu lúa, nhưng nhiều diện tích vẫn không cứu vãn được.
“Nghị quyết của địa phương luôn có chủ trương tự túc lương thực tại chỗ nên phải duy trì diện tích lúa nước. Bên cạnh đó, nhiều hộ lo đói nên canh tác nhỏ lẻ 1 - 2 sào lúa nước/hộ, chủ yếu dựa vào nước trời và tự bơm tưới. Huyện cũng đang còn khoảng 300ha lúa rẫy. Hầu hết diện tích lúa của huyện đều có hiệu quả không cao nhưng vẫn phải duy trì. Nguồn sống chính từ trồng trọt của người dân Sông Hinh vẫn là các cây mía, sắn, đậu, thuốc lá,… Nhiều hộ còn tranh thủ cho thuê đất 3 tháng/năm để dân nơi khác trồng dưa, rồi sau đó luân canh cây trồng khác; có cả đôi lúc bấp bênh nhưng nhìn chung có lợi nhuận khá tốt”, ông Sự nói.
Nắng hạn kéo dài nhiều vụ qua cũng đã làm khô chết nhiều diện tích cây trồng khác lúa nhưng người dân chưa có tập quán tưới nước. Hầu hết đều trông chờ nước trời, nếu mưa không đúng hạn kỳ thì… rẫy cho bao nhiêu, ăn bấy nhiêu. Gần đây, Sông Hinh xuất hiện chuyện lạ là người dân thấy sắn, mía khô hạn dữ quá, đã cho máy bơm tưới… cấp cứu. Thực tế, tại một số diện tích sắn, mía vừa xuống giống đã gặp hạn, việc tưới nước đã làm cây mọc đều, khỏe mạnh; hạch toán sau chi phí vẫn hiệu quả hơn các diện tích phải trồng lại do giống chết.
“Không thể ăn ớt thay cơm”
Ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NNPTNT Phú Yên) cho biết, mấy năm qua, tỉnh này đã có hàng trăm hecta lúa không chủ động được nước tưới đã chuyển sang các loại trồng rau màu, và có lúc đạt hiệu quả cao. Thế nhưng nhiều loại rau màu luôn nhỏ hẹp về đầu ra hoặc “gởi trọn” vào tay thương lái Trung Quốc. Ví như gần 1.000ha dưa hấu tại Phú Yên năm qua đã “khóc đứng” khi giá bán tại ruộng chỉ 1.500 đ/kg; người trồng lỗ vốn thất điên bát đảo. Hoặc như cây cà đĩa ở vùng huyện Tuy An, tiêu thụ nội tỉnh chẳng là bao, bán đi các tỉnh “chút chút” vì ở đâu cũng trồng, đành đổ đống chứ biết… làm gì! “Đến cả trồng rau màu theo công nghệ sạch như ở HTX Rau an toàn Bình Ngọc (TP.Tuy Hòa) cũng… không an toàn. Tại đây, mỗi ngày thu hoạch cả tấn rau nhưng chỉ bán cho siêu thị được được vài chục ký, còn lại phải bán giá như… rau đại trà” - ông Phương nói.
Còn tại Bình Định, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh này cho hay, nhiều năm qua, địa phương đã quyết liệt chuyển nhiều diện tích lúa bấp bênh sang các cây sản xuất công trồng cạn; năm nay đang tiếp tục chuyển 3.500ha. Tùy từng chân đất, các hợp tác xã cùng bà con nông dân đã bàn bạc cụ thể để chọn thay cây phù hợp; hầu hết đều là cây trồng truyền thống như bắp, đậu phụng (lạc), dưa hấu, hành, tỏi, kiệu, ớt,… Tuy nhiên, do thị trường đầu ra không ổn định, nông dân lại chuyển một số diện tích hoa màu cạn trở lại làm lúa; sau đó, thấy cây gì “có ăn” hơn thì lại chuyển đổi tiếp...
“Ví như ớt, đầu ra sản phẩm đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc. Sau đôi vụ có ăn, năm vừa qua giá ớt hạ “cho không”, nông dân lỗ chỏng chơ, bỏ chín rục đầy ruộng. Một số bà con trở lại xới đất làm lúa. Dù sao, giá lúa vẫn ổn định, hoặc ứ đọng thì có thể tích trữ lại; chứ không thể… ăn ớt thay cơm! Giải pháp bền vững để chuyển đổi cây trồng cạn là phải luân canh cây trồng phù hợp, ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật và… chủ động dự báo thị trường”, ông Hổ nhấn mạnh.
Theo ông Hổ, chính sách của trung ương chỉ mới có quy định về hỗ trợ chuyển đổi trồng bắp trên đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long; riêng tại Bình Định, việc hỗ trợ này được áp dụng theo quy định 519/2013 của UBND tỉnh.
Hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng cạn
Hỗ trợ 100% kinh phí mua giống các loại cây trồng cạn đối với các diện tích chuyển đổi từ đất sản xuất lúa trong vùng không có nước tưới chuyển sang cây trồng cạn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo; các hộ còn lại hỗ trợ 50% kinh phí. Định mức các loại cây trồng cạn được hỗ trợ gồm: giống bắp lai 15kg/ha; đậu phụng (lạc) 200kg/ha; đậu xanh, đậu nành, đậu đen 60kg/ha; mè 6kg/ha, giống rau các loại 2 triệu đồng/ha. Hỗ trợ khoan giếng, xăng dầu, trang thiết bị phục vụ bơm tát để tưới chống hạn cho cây trồng cạn đã chuyển đổi từ đất trồng lúa; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/giếng khoan tưới cho 4ha; 6 triệu đồng/giếng tưới cho 10ha. (Nguồn: Quyết định 519/2013 của UBND tỉnh Bình Định)
Theo danviet.vn