Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp
Nghe báo cáo và phần trình bày trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2013-2016 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020, các thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đánh giá cao vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong chương trình công tác năm 2018, Tổ sẽ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chính sách, biện pháp tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn 2025, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp – một lĩnh vực không chỉ có Tổ tư vấn mà cả xã hội đang quan tâm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới, đặc biệt từ năm năm 1993 khi chúng ta có chủ trương giao 10 triệu ha đất nông nghiệp, 4 triệu ha đất rừng cho nông dân. Nhờ chính sách này, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu đạt mức kỷ lục 36,57 tỷ USD trong năm 2017, thặng dư thương mại 8,78 tỷ USD. Về xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã có 2.884 xã (32,3%) và 43 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chu trình 30 năm đổi mới đang tái khởi động lại từ lĩnh vực nông nghiệp. 30 năm trước, nông nghiệp đã tiên phong đi đầu trong đổi mới và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế lại đang khởi động từ nông nghiệp. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang có chuyển biến tích cực, khác biệt so với rất nhiều ngành kinh tế khác. Ông Cung cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, cơ cấu lại rất khó do chúng ta không thể quyết định sự chi phối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, với lĩnh vực nông nghiệp và du lịch thì Việt Nam hoàn toàn có thể cơ cấu lại ngành thành công.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau gần 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành đang tạo được những chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là: đã tạo sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016.
Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều thành viên của tổ tư vấn cho rằng cần có chính sách để tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai. TS. Nguyễn Đình Cung nêu cụ thể: “Để lấy được 100-200 ha đất, phải mất đến 7-8 tháng và chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới xong. Làm như vậy quá tốn kém, doanh nghiệp và người dân đầu tư vẫn không yên tâm do có rất nhiều rủi ro”. Chính vì thế, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị, cần phải mở thị trường, tăng cầu sử dụng đất, đa dạng hóa cung và xây dựng hệ thống hỗ trợ giao dịch ít tốn kém và rủi ro.
Các thành viên Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Việt Nam nên định hướng phát triển công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, tuy vậy không phải sản phẩm nông sản nào cũng chế biến mà phải có sự lựa chọn, vì có nông sản bán tươi thì giá rất cao.
Về phát triển thị trường, theo ông Tuyển, muốn xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao thì chúng ta phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào trong sản xuất kinh doanh, đồng thời chúng ta phải tiến hành sản xuất theo chuỗi, ổn định cung và kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến việc hình thành các HTX để kết nối nông dân với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân./.
Tháng 1, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3 tỷ USD
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1 năm 2018 ước đạt 3,09 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,68 tỷ USD, tăng 34,1%; thủy sản ước đạt 560 triệu USD, tăng 15,6%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 745 triệu USD, tăng 18,5%.
Trong tháng đầu năm này, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 524.000 tấn với giá trị đạt 249 triệu USD, tăng 56,5% về khối lượng và tăng 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 451,9 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2016.
Xuất khẩu càphê ước đạt 173.000 tấn với giá trị đạt 338 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 7% về giá trị. Mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất là cao su, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su đạt 181.000 tấn với giá trị đạt 204 triệu USD, tăng 94,5% về khối lượng và tăng 14% về giá trị.
Tiếp tục tăng mạnh cả về giá trị và sản lượng, hạt điều xuất khẩu đạt 25.000 tấn với giá trị 256 triệu USD, tăng 39,9% về khối lượng và tăng 56,5% về giá trị so với cũng kỳ năm 2017.
Rau quả vẫn là mặt hàng có sự tăng trưởng khá tốt. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 1 ước đạt 321 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2017. Năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1 ước đạt 2,78 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm.
Vận hành tối đa các công trình thủy lợi để tận dụng nguồn nước
Từ 0 giờ ngày 28/1, các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ bước vào đợt lấy nước lần thứ 2 phục vụ đổ ải gieo cấy vụ Đông xuân 2017 - 2018. Đây là đợt lấy nước quan trọng quyết định đến sản xuất của vụ lúa Xuân năm nay. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục quản lý công trình, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của đợt 2 xả nước cũng như một số khó khăn thông qua một số đánh giá rút kinh nghiệm công tác xả nước cũng như lấy nước đợt 1, Tổng cục Thủy lợi đã họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan liên quan, nhà khoa học, và một số địa phương khó khăn về nguồn nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên bàn những giải pháp thực hiện việc lấy nước hiệu quả, nhất là đối với những vùng khó khăn. Chúng tôi đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm sao có giải pháp nâng cao “đầu nước” đảm bảo số giờ tại Hà Nội đạt 2 mét 2 đủ điều kiện để các địa phương lấy nước hiệu quả. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng phải xây dựng kịch bản vận hành các công trình thủy lợi làm sao lấy nước đợt 2 đảm bảo mục tiêu đặt ra phục vụ làm đất gieo cấy vụ Đông xuân 2017-2018.
Theo ông Khanh, những vùng khó khăn cần phải xây dựng kế hoạch lấy nước đến từng khoảnh ruộng của từng xã, từng huyện và có giải pháp cụ thể. Bởi năm nay có điểm đặc biệt là mực nước xả xuống từ các nhà máy thủy điện như đợt 1 thời gian đạt 2 mét 2 tại trạm thủy văn Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu. Các địa phương khó khăn về nguồn nước phải có giải pháp công trình tạm thời như: lắp đặt các trạm bơm dã chiến, nạo vét các hệ thống kênh mương kể cả kênh trục chính và kênh nội đồng. Trong giai đoạn 2 tiếp tục làm về kênh nội đồng làm sao trong thời điểm này lấy nước kể cả mực nước chưa đạt 2 mét 2 như yêu cầu vẫn có thể vận hành công trình để lấy nước. Nhất là đối với những vùng bà con chưa thu hoạch cây vụ Đông nhưng vẫn phải lấy nước tích trữ vào hệ thống ao, hồ, kênh rạch phục vụ gieo cấy trong thời gian tới. Sau Lập Xuân là thời điểm nông dân sẽ đồng loạt xuống đồng, đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy.
Ông Khanh cũng đề nghị nông dân tích trữ nước vào đồng ruộng của mình, đắp bờ, che chắn tránh thất thoát nước trên mặt ruộng chờ khi thời tiết thuận lợi sẽ xuống đồng gieo cấy. Tuân thủ tuyệt đối khung thời vụ mà ngành Trồng trọt đã khuyến cáo đảm bảo việc gieo cấy trong khung thời vụ.
Khánh Nguyên (tổng hợp)